Mô hình chăn nuôi kết hợp 'đẻ trứng vàng' của cựu binh Quảng Bình

Nhờ đầu tư chăn nuôi hiệu quả kết hợp trồng trọt, cựu binh Nguyễn Trường Giang (Quảng Bình) đã vươn lên làm giàu, thu hơn 800 triệu đồng/năm.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cây ăn quả tại trang trại được đánh giá cho năng suất và chất lượng cao.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cây ăn quả tại trang trại được đánh giá cho năng suất và chất lượng cao.

Không chùn bước trước khó khăn

Ông là Nguyễn Trường Giang (SN 1966, trú tại xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Năm 19 tuổi, ông Giang gác việc học, lên đường nhập ngũ và phục vụ trong Cục vũ khí-đạn (Tổng cục Kỹ thuật).

Đến cuối năm 1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được đơn vị cho xuất ngũ trở về địa phương. Lúc ấy gia cảnh quá khó khăn, ông Giang tìm đường xuôi ngược qua tận nước Lào mưu sinh.

 Ông Nguyễn Trường Giang được vinh danh là cựu chiến binh gương mẫu của huyện Bố Trạch.

Ông Nguyễn Trường Giang được vinh danh là cựu chiến binh gương mẫu của huyện Bố Trạch.

Ước mơ làm giàu ngay trên quê hương thôi thúc ông Giang trở về. Mượn của họ hàng, bạn bè chưa đủ, ông Giang vay ngân hàng để mua 5ha đất đồi. Thuận lợi khi trên địa bàn có Nhà máy đường Quảng Bình, nên khai hoang được chừng nào, ông lấy phần đất đó trồng mía.

Năm 2002, nhà máy thu mua mía dừng hoạt động. Khó khăn lần nữa lại ập đến, ông Giang lại chật vật suy nghĩ tới việc thay đổi mô hình canh tác. Chặt bỏ toàn bộ mía để trồng cây cao su là bước đi táo bạo mà cựu chiến binh đã làm.

Sau 5 năm chăm sóc, cây cao su bắt đầu thu hoạch. Ước tính một ngày, gia đình ông thu hơn 3 triệu đồng từ “vàng trắng”. Không những thu hoạch mủ cao su của gia đình, ông mua thêm của người dân trong vùng để bán lại cho đầu mối. Nhờ đó, gia đình ông Giang xóa được nợ. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, cơn bão lịch sử năm 2013 làm gãy đổ toàn bộ 5ha cao su của gia đình ông.

“Diện tích cao su của tôi lớn nhất nhì trong vùng thời điểm đó, cũng nhờ nó mà cuộc sống khá lên. Bất ngờ thiên tai ập đến, gia đình tôi lâm vào cảnh trắng tay. Giờ nghĩ lại, cảm ơn thời gian trong quân ngũ đã rèn tôi tính kiên cường, không khuất phục trước khó khăn”, cựu chiến binh Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Cựu chiến binh tâm niệm rằng, đã là người lính bộ đội Cụ Hồ thì không khó khăn nào có thể làm ông chùn bước. Qua thời gian dài nghiền ngẫm, năm 2017, ông Giang quyết định mở trang trại nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả ngay trên phần đất đã mua trước đó.

Cùng nhau thoát nghèo

Vui vẻ đón tiếp chúng tôi giữa trang trại bạt ngàn màu xanh của cây trái, cựu chiến binh Giang nói rằng, đây là thành quả sau nhiều năm cố gắng để thoát nghèo.

Hiện tại, lãi từ mô hình nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín và vườn cây ăn trái nhiều loại như vải thiều, cam vinh, ổi… lên đến 700-800 triệu mỗi năm.

Trang trại tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho 5-7 lao động. Trái ngọt mà cựu chiến binh có được hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt.

 Cựu chiến binh Giang phấn khởi bên mô hình nuôi lợn bằng chuồng lạnh khép kín.

Cựu chiến binh Giang phấn khởi bên mô hình nuôi lợn bằng chuồng lạnh khép kín.

Cựu chiến binh Giang bày tỏ: “Làm giàu từ chăn nuôi và trồng trọt không dễ, nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới năng suất sản phẩm đầu ra nhưng không ai có thể kiểm soát được chúng. Nói như vậy không có nghĩa là thấy khó mà từ bỏ, tôi mong có nhiều hơn những cá nhân dấn thân và trưởng thành từ khó khăn”.

Cùng với việc gương mẫu phấn đấu thoát nghèo và làm giàu trong phát triển kinh tế, ông Giang còn là thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh huyện Bố Trạch, là thành viên gương mẫu của Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.

Tiên phong phát triển kinh tế địa phương, cựu chiến binh Giang vận động các thành viên trong câu lạc bộ, hội viên cựu chiến binh và người dân trên địa bàn thi đua lao động sản xuất, không vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Giang chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ vốn, giống, kỹ thuật, vật tư... cho những người thực sự có nhu cầu.

Ông Đỗ Như Tất, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Bố Trạch chia sẻ: “Không chỉ là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Trường Giang còn có những đóng góp tới sự phát triển của hội, tận tình giúp đỡ những thành viên khó khăn. Cá nhân tôi thấy ông Giang xứng đáng là tấm gương sáng để các cựu chiến binh khác noi theo”.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-hinh-chan-nuoi-ket-hop-de-trung-vang-cua-cuu-binh-quang-binh-post693048.html