Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước đi mạnh mẽ trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn tạo 'cú hích thể chế' để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút nguồn vốn đầu tư.

Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: PV

Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: PV

Đà tăng trưởng kinh tế Thủ đô tích cực

Theo số liệu từ Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 460 nghìn tỷ đồng. Ngành công nghiệp tăng 5,8%, trong khi du lịch phục hồi mạnh mẽ với gần 4 triệu lượt khách. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 10,1 tỷ USD và 22 tỷ USD, tăng 13,8% và 12,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách đến giữa tháng 6-2025 đạt 372,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 73,7% dự toán năm; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 59 nghìn tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Hà Nội cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư, khởi sự kinh doanh, khi thu hút trên 2,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước. Gần 14.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 125 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lũy kế đến nay lên khoảng 403.000 doanh nghiệp.

Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế 6 tháng đầu năm là mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ấn tượng. Quý I/2025, GRDP đạt 7,35%, cao gấp 1,35 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt kịch bản tăng trưởng đặt ra đầu năm. Quý II/2025, ước đạt 7,93%, đưa tốc độ tăng trưởng 6 tháng lên mức 7,59% - tạo đà vững chắc để cả năm cán mốc 8%...

Đáng chú ý, một trong những dấu ấn nổi bật là công tác sắp xếp đơn vị hành chính và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội liên tục tăng hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số công nghiệp, công nghệ thông tin, giữ vị trí thứ 2 về thương mại điện tử trong 7 năm liên tiếp, đứng đầu về quản trị điện tử và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

Thêm "cú hích" để phát triển kinh tế Thủ đô

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số toàn diện, việc sắp xếp địa giới hành chính sẽ tạo ra “không gian thể chế” và “hệ sinh thái quản trị” thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực vào năm 2030.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thách thức lớn từ xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và bất ổn tài chính toàn cầu, Hà Nội kiên định mục tiêu tăng trưởng, đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025.

Với đà tăng trưởng tích cực, Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu cả năm 2025 đạt GRDP từ 8% trở lên, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính – thương mại – đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.

Mô hình chính quyền hai cấp chính là công cụ thể chế hóa khát vọng phát triển, giúp Thủ đô giải phóng nguồn lực, lan tỏa tinh thần phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp – người dân trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền 2 cấp chính thức vận hành, tinh gọn bộ máy hành chính và tăng cường phân quyền từ tỉnh đến xã. Kèm theo đó là các chính sách kinh tế mới, bao gồm các luật, nghị định và thông tư trong các lĩnh vực trọng yếu như thuế, quy hoạch, khoáng sản, thương mại điện tử,…Những thay đổi này hứa hẹn tạo hành lang pháp lý minh bạch, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Điển hình như, Nghị định 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế thương mại điện tử yêu cầu các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... khấu trừ và nộp thay thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân cho người bán. Thuế VAT áp dụng tỷ lệ 1% cho hàng hóa, 5% cho dịch vụ, 3% cho vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa; thuế thu nhập cá nhân dao động từ 0,5% đến 2% tùy loại hình kinh doanh. Quy định này tăng tính minh bạch và công bằng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Còn Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ có tác động rất lớn đối với đất nước, tạo ra cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế.

Có thể thấy, các chính sách mới phản ánh xu hướng hiện đại hóa quản lý nhà nước, tăng cường số hóa và minh bạch. Mô hình chính quyền 2 cấp giúp triển khai chính sách nhanh chóng và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Các tỉnh, thành lớn và ngành nghề trọng điểm như bất động sản, nông nghiệp, thương mại điện tử sẽ chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Việc thành phố Hà Nội đã và đang chủ động, quyết liệt trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước đi mạnh mẽ trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn thể hiện khát vọng đổi mới để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-thuc-day-phat-trien-kinh-te-thu-do-423621.html