Mô hình Cơ quan cạnh tranh và phạm vi còn nhiều vấn đề gây tranh cãi

Tại phiên họp 22 chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), trong đó tập trung chính vào trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và phạm vi áp dụng của Luật.

Các đại biểu Quốc hội tích cực cho ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi

Các đại biểu Quốc hội tích cực cho ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (CT). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật . Theo đó, dự thảo Luật gồm 10 Chương và 123 điều, về 8 vấn đề lớn như: phạm vi điều chỉnh; Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh; Về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; Về đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể và xác định sức mạnh thị trường đáng kể; Tập trung kinh tế; Tố tụng cạnh tranh…

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tuy nhiên còn một số vấn đề được các đại biểu quan tâm góp nhiều ý kiến xây dựng, đặc biệt trong vấn đề phạm vi Luật và đối tượng áp dụng, cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (mô hình Cơ quan Cạnh tranh).

Sẽ có Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bán tư pháp

Cụ thể, việc xây dựng mô hình CQCT, có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất, tán thành quy định CQCT Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật; Vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định CQCT trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, để CQCT có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng tố tụng cạnh tranh, cần được quy định rõ ràng trong Luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQCT nhằm duy trì một đơn vị đảm bảo tính độc lập, được thành lập và có đủ thẩm quyền theo luật định, hoạt động tuân theo pháp luật.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất. Dự thảo Luật bổ sung một chương (Chương VII) quy định về CQCT, trong đó định danh CQCT là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. Những nội dung đó phải được quy định trong luật mới đảm bảo tính độc lập trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về mô hình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc quy định một CQCT là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết, sẽ là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Điều này, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội (như loại ý kiến thứ hai), phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, đảm bảo ngay sau khi Luật được ban hành, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát kiểm tra kỹ hơn về quy định thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, tránh xảy ra việc chồng chéo xung đột với Luật tổ chức Chính phủ.

Luật Cạnh tranh sẽ được áp dụng ngoài phạm vi Việt Nam

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cụ thể như thế nào, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Việc dự thảo chỉ dành 2 điều về hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh, quy định nguyên tắc chung để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý để xử lý điều tra toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù hành vi cạnh tranh xảy ra tại đây nhưng có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho các cơ quan đơn vị của Việt Nam làm việc với các cơ quan cạnh tranh của các nước khác khi xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện để thực thi các cam kết kinh tế trong Hiệp định song phương và đa phương.

Ngoài ý kiến cơ quan thẩm tra báo cáo, trong các hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ sẽ liên quan qua 2 đường: cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam, hoặc có nhận diện thương mại tại Việt Nam. Trong cả 2 trường hợp, nếu họ có thực thể tại Việt Nam thì chúng ta có thể tiếp cận, yêu cầu cung cấp thông tin để điều tra.

Tại cuộc họp, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật Cạnh tranh sẽ bao gồm các chủ thể Luật khác. Trên thực tế, hiện nay, vẫn có các luật chuyên ngành sẽ không đồng nhất với nhau thì phải áp dụng luật nào hay theo nguyên tắc luật sau ưu tiên luật trước. Kinh nghiệm các nước cũng có loại trừ phạm vi áp dựng của Luật cạnh tranh như: Luật tài chính ngân hàng …

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, Điều 4 Chương I Dự thảo Luật Cạnh tranh đã điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các quy định của Luật này. Trường hợp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định luật đó. Không có sự chồng chéo xung đột trong việc áp dụng Luật Cạnh tranh với các Luật chuyên ngành khác.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/mo-hinh-co-quan-canh-tranh-va-pham-vi-con-nhieu-van-de-gay-tranh-cai.html