Mô hình cưới văn minh: Nét đẹp cần được lan tỏa

Từ nhiều năm qua, tại các quận, huyện, thị xã ở thành phố Hà Nội đã thành lập và duy trì Ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về việc cưới, nhiều cán bộ, đảng viên cam kết tổ chức cưới theo nếp sống mới và thực tế đã có rất nhiều đám cưới tổ chức theo đúng mô hình nếp sống mới…

Người Việt Nam luôn có quan niệm kết hôn là sự kiện quan trọng của đời người, thế nên, đám cưới thường có nhiều thủ tục, nghi lễ rất trang trọng, tổ chức trong thời gian dài và nhất định phải có cỗ cưới. Nhưng hiện nay, nhiều nghi lễ, thủ tục cưới hỏi truyền thống không còn phù hợp mà cần giản lược, thay đổi theo hướng văn minh, tiết kiệm. Những mô hình cưới tập thể, không tiệc mặn… là nét đẹp rất cần được nhân rộng.

Mô hình cưới văn minh là nét đẹp cần được nhân rộng

Mô hình cưới văn minh là nét đẹp cần được nhân rộng

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thời gian qua, nhiều mô hình cưới văn minh đã được triển khai sâu rộng trên khắp địa bàn Hà Nội, đảm bảo tính trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm mà vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi. Ở nhiều địa phương như Phú Xuyên, Hà Đông, Hoài Đức, đã hình thành một số mô hình tổ chức cưới theo nếp sống mới như: “Đám cưới điểm”, “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”, “Đám cưới không thuốc lá”;…

Sau ngày tổ chức đám cưới cho con trai theo hình thức cưới văn minh, ông Nguyễn Văn Đạt (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi rất vui vì mọi việc đều diễn ra đúng như dự kiến và mong muốn. Lễ cưới của các cháu vẫn có đủ các nghi thức truyền thống, được tổ chức trong không khí vui vẻ mà vẫn rất trang trọng, theo đúng hương ước của làng và quy định của thành phố và của địa phương về việc cưới". Ông Đạt cho hay, quá trình chuẩn bị cho đám cưới, gia đình không phải lo lắng nhiều vì việc cưới theo nếp sống mới ở địa phương đã trở thành nề nếp, hơn nữa lại được bà con, anh em, bạn bè động viên, giúp đỡ nên gia đình cảm thấy rất thoải mái, yên tâm.

Tuy nhiên, không ít đám cưới theo hình thức này lại bị “điều ra tiếng vào” vì còn nặng theo lễ thức cổ truyền, chưa ủng hộ cái mới trong việc cưới. Theo tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) thì tâm lý phổ biến của người Việt là mỗi khi có đại sự thường gắn với việc tổ chức ăn uống trên diện rộng. Chẳng hạn, người thi đỗ bậc cao ắt phải về quê, ra đình trình Thành hoàng làng rồi khao làng, người được bổ nhiệm chức vụ cũng phải làm cỗ khao làng… đó gọi là “Vô vọng bất thành danh” (chưa khao vọng chưa chính thức được công nhận). Thế nên trong việc cưới xin ngày xưa, việc tổ chức ăn uống luôn được xem trọng hàng đầu. Và đến nay, hầu hết (nếu không nói là tất cả) các gia đình vẫn tổ chức lễ cưới, cỗ cưới. Như vậy, trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, việc cưới không thể không có lễ cưới và tiệc mừng đám cưới, dù quy mô, cách thức tổ chức có khác nhau. Từ đây, có thể thấy rằng, để có thể tạo thay đổi trong việc cưới, thậm chí là cách tân, phải nắm rõ tâm lý xã hội truyền thống, nếu không rất khó thực hiện.

Từ nhiều năm qua, tại các quận, huyện, thị xã ở thành phố Hà Nội đã thành lập và duy trì Ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về việc cưới, nhiều cán bộ, đảng viên cam kết tổ chức cưới theo nếp sống mới và thực tế đã có rất nhiều đám cưới tổ chức theo đúng mô hình nếp sống mới… Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì còn nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm, bổ sung giải pháp phù hợp để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Theo ông Lê Bình Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm thì mô hình cưới văn minh trong đoàn viên, thanh niên ở Hà Nội là nét đẹp văn hóa mới, cần được đánh giá đầy đủ. Hiện nay, có 6 tiêu chí của một đám cưới theo nếp sống mới là chấp hành pháp luật; bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; tránh phô trương, hình thức, lãng phí; tổ chức tiệc cưới văn minh, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn; khuyến khích cô dâu, chú rể tích cực tham gia hoạt động xã hội đã đầy đủ thì phải khẳng định, tiếp tục thực hiện, nhân rộng. Trong thời gian tới, cần xem xét bổ sung để tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện tốt các yêu cầu “Trang trọng - Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm”, lại phù hợp phong tục, tập quán tại các địa phương. Giải pháp mang tính cốt lõi vẫn là tuyên truyền, vận động nhưng cần đổi mới phương thức và tăng tần suất.

Thực tế cho thấy, chúng ta cần phải tiếp tục củng cố và từng bước hoàn thiện nếp sống văn minh trên mọi lĩnh vực đời sống, từ đó tác động mạnh mẽ đến việc chuyển đổi nhận thức và hành động trong tổ chức việc cưới theo nếp sống mới, thể hiện rõ nét phẩm chất “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Thời gian tới, các địa phương cần xem xét các mô hình cưới theo định hướng của quy ước, chọn ra mô hình có tính phổ biến và được đông đảo người dân chấp nhận, từ đó có giải pháp củng cố, nhân rộng trong cộng đồng.

Minh Thắng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mo-hinh-cuoi-van-minh-net-dep-can-duoc-lan-toa-95694.html