Mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu nhìn từ Cổ Loa
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Anh đã lựa chọn Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Đền Cổ Loa, tại xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) để triển khai mô hình điểm 'Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu'. Mô hình đã mang lại màu sắc mới về môi trường sống, cách ứng xử văn minh nơi di tích, thắng cảnh.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa là hệ thống di tích có giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, gắn liền với các giai đoạn văn hóa của người Việt, bao gồm 7 điểm di tích mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử như Thành Cổ Loa, Đền thờ vua An Dương Vương, Đình Ngự triều Di quy, Am thờ Mỵ Châu, Chùa Bảo Sơn, Chùa Mạch Tràng, Đình Mạch Tràng.
Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là điểm Di tích lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan, dụ lịch trong và ngoài nước đến thăm quan chiêm bái.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Đỗ Thị Mỹ Linh, trước hết, Hội xác định việc thực hiện mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” do Hội LHPN Thành phố chỉ đạo là rất thiết thực, ý nghĩa, thể hiện vai trò và sự tham gia tích cực của hội phụ nữ các cấp, cán bộ hội viên trong thực hiện Quy tắc ứng xử, đóng góp cụ thể nhằm tạo ra sự thay đổi nhất định về hành vi ứng xử, diện mạo, cảnh quan khu vực “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”, góp phần xây dựng quê hương văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp trong du khách thập phương.
Sau khi lựa chọn Khu di tích lịch sử Cổ Loa để làm mô hình điểm, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền cơ sở, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa trực thuộc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Hội LHPN xã Cổ Loa thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình, đặc trưng của di tích.
Với đặc điểm quần thể di tích nằm rải rác, xen lẫn với trên 600 hộ dân thuộc phố chợ, thôn Chùa, thôn Mít quanh khu vực. Nhận định thực trạng tại điểm di tích một số hộ dân kinh doanh tự phát còn tồn tại về vệ sinh môi trường, xử lý rác thải có lúc chưa mỹ quan, sạch đẹp, hệ thống cây xanh, cây hoa trang trí tại khu vực Đền, Đình, Am Mỵ Châu còn chưa phong phú, ấn tượng; chưa có hệ thống bảng biểu tuyên truyền về thực hiện bộ quy tắc ứng xử… Hội LHPN huyện Đông Anh đã đưa ra giải pháp để xây dựng mô hình điểm và triển khai thực hiện.
Theo đó, Hội tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Cổ Loa và 5 đơn vị trong cụm thi đua số 1 (Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc) tập trung lực lượng tổ chức 5 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường toàn bộ Khu di tích, các trục đường chính dẫn vào khu di tích. Đầu tư trồng mới, chăm sóc 61 bồn cây xanh trên trục đường chính vào khu di tích với nhiều loại cây như: cây lan chi, bảy sắc cầu vồng, hoa mười giờ….
Cùng với đó là nâng cao chất lượng công tác phân loại rác thải tới người dân và du khách. Hội đã phát động ngày hội chống rác thải nhựa thông qua việc thu gom chai nhựa, phế thải bằng nhựa trong cụm thi đua số 1, huy động cán bộ hội viên cùng tự tay thực hiện.
Hội LHPN huyện đã hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng để thiết kế, thực hiện 9 thùng rác tái chế đặt tại các điểm trung tâm của khu di tích, nhằm tuyên truyền du khách đến với di tích bỏ vỏ của các loại đồ uống vào thùng rác tái chế. Số chai lọ nhựa được cán bộ hội thu gom thường xuyên để tiếp tục làm các thùng rác và đồ tái chế tại các điểm sinh hoạt cộng đồng nhằm lan tỏa thông điệp.
Với các hộ gia đình quanh khu vực di tích, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Đền, Chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích.
Đặc biệt tập trung nội dung ứng xử văn minh, lịch sự nơi di tích như: luôn chào nhau bằng nụ cười, sẵn sàng nói cảm ơn, xin lỗi. Ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện. Trang phục phù hợp, không tạo dáng phản cảm để quay phim, chụp ảnh. Giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Không khắc, vẽ lên tường, tượng hay công trình kiến trúc Không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan Không chèo kéo, bám theo du khách.
Một phần việc vô cùng quan trọng nữa là lắp đặt biển bảng tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử tại Di tích lịch sử kiểu mẫu tại tất cả các điểm chính của Khu di tích. “Hội LHPN huyện đã tổ chức bàn giao công trình phần việc ý nghĩa vào ngày 24/3, thiết thực đón Tuần lễ du lịch Hà Nội, và hình thành tour du lịch quảng bá cho khu di tích “Tìm về Kinh đô người Việt Cổ”, đón rất nhiều đoàn khách thăm quan, chiêm bái”, bà Đỗ Thị Mỹ Linh cho biết.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Đông Anh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tái chế, duy trì cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu di tích. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ gia đình quanh khu vực di tích về công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý rác thải…Vận động các hộ gia đình cán bộ, hội viên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Đền thờ Vương Ngô Quyền và các dự án trọng điểm tại khu di tích Cổ Loa.
Mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại di tích Cổ Loa của các cấp hội phụ nữ huyện Đông Anh không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân trên địa bàn xã Cổ Loa, du khách thập phương, học sinh về thăm quan, trải nghiệm tại khu di tích, mà còn góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đặc biệt là ứng xử với di tích và danh lam thắng cảnh.