Mô hình điểm tăng gia sản xuất

Thời gian qua, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Hàm Yên đã chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng mô hình thao trường '3 trong 1'. Thao trường không chỉ là nơi huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật của LLVT huyện mà còn là khu tăng gia sản xuất. Năm 2020, đơn vị được Bộ CHQS tỉnh chọn làm điểm mô hình tăng gia sản xuất.

Đại úy Nguyễn Văn Tỵ, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật đưa chúng tôi đi thăm đơn vị, khu tăng gia sản xuất tập trung của đơn vị được quy hoạch khép kín, quy củ. Đồng chí cho biết, đơn vị có lợi thế về diện tích rộng, 4 thửa đất với diện tích gần 60.000 m2, địa hình đa dạng có ao, có đồi, có bãi bằng. Ban CHQS huyện tổ chức lập quy hoạch phân khu theo chức năng. Ngoài những khu vực huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực là khu giành cho tăng gia sản xuất. Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo mô hình 5 cơ bản gồm: vườn, ao, chuồng, giàn, đường nội bộ và chế biến cơ bản.

Cán bộ Ban CHQS huyện Hàm Yên chăm sóc vườn rau sạch.

Cán bộ Ban CHQS huyện Hàm Yên chăm sóc vườn rau sạch.

Hiện nay, khu vườn - giàn được quy hoạch tại doanh trại. Vườn rau thường xuyên có diện tích 800 m2, bình quân 23 m2/người; vườn rau gia vị 20 m2, bình quân 0,6 m2/người; vườn thuốc nam 40 m2; vườn cây ăn quả với 105 cây các loại. Bên cạnh đó, đơn vị còn tận dụng những khoảng đất trồng đa dạng một số loại cây lấy lá uống nước như xạ đen, lá vối; vườn rau chăn nuôi tận dụng khoảng đất trống, taluy trồng chuối, sắn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hệ thống giàn có diện tích 250 m2, bình quân 8 m2/người được đầu tư theo hướng cơ bản có kết cấu vững chắc cột trụ là bê tông cốt thép, trên mặt giàn sử dụng sắt hộp và cây hóp.

Khu trường bắn trồng hơn 2 ha keo và trồng xen cây sắn, trung bình mỗi năm thu hoạch được 5 tấn sắn tươi để cung cấp thức ăn chăn nuôi cho 20 - 30 con lợn đen. Cùng với đó, nguồn lá sắn được tận dụng là thức ăn nuôi cá trắm, nuôi cá ở khu doanh trại đóng quân.

Khu thao trường luyện tập chiến thuật và thể lực được quy hoạch diện tích 1.300 m2 làm khu nuôi gia cầm, 1.100 m2 làm khu chăn nuôi lợn; 2 ha trồng cam sành, phật thủ và 1 ao nuôi cá. Khu nuôi gia cầm theo từng phân khu, chức năng riêng (gà đẻ, gà con, gà trống thiến, gà thịt) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh và tận dụng thức ăn thừa ở bếp ăn kết hợp với thức ăn công nghiệp để chăn nuôi. Đơn vị duy trì đàn lợn đen từ 20 - 30 con với lợn nái, lợn đực giống, lợn thịt, lợn con. Đặc biệt, đơn vị chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Theo đó, đơn vị luôn đảm bảo đầy đủ trang bị và thuốc chữa bệnh, điều trị đúng phác đồ. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, dù nằm ở tâm điểm của vùng dịch nhưng đơn vị vẫn duy trì, ổn định đàn lợn.

Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cán bộ, sỹ quan Ban CHQS huyện đã tạo ra lượng lương thực, thực phẩm đảm bảo bữa ăn cho bộ đội và cho lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên vào mùa huấn luyện; tân binh và người nhà tân binh mùa tuyển quân. Đơn vị đảm bảo tự túc 100% nhu cầu rau xanh; 70% nhu cầu thịt, 50% nhu cầu cá. Trong năm, đơn vị thu được rau củ, quả được gần 5 tấn, lợn xô lọc trên 1,1 tấn, cá tươi 816 kg, gia cầm gần 580 kg. Thu hoạch từ tăng gia sản xuất đạt 1,3 triệu đồng/người, đạt 104% kế hoạch năm.

Theo đồng chí Thượng tá Hoàng Vinh Hiển, Chính trị viên Ban CHQS huyện, thời gian tới, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cho cán bộ, chiến sỹ đối với công tác tăng gia sản xuất; làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất, lựa chọn hình thức tổ chức tăng gia sản xuất, cơ cấu giống cây, con phù hợp đặc thù từng khu thao trường, bảo đảm đời sống phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị...

Bài, ảnh: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/mo-hinh-diem-tang-gia-san-xuat-139956.html