Mô hình HTX do phụ nữ làm chủ ngày càng phát huy hiệu quả

Với mục tiêu tập hợp, đoàn kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ tại địa phương. Trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ đang phát huy hiệu quả, trở thành sợi dây liên kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Lao động nữ làm hàng cói tại HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ bèo cói Quỳnh Hoa.

Lao động nữ làm hàng cói tại HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ bèo cói Quỳnh Hoa.

HTX nông nghiệp Hoàng Sơn được chuyển đổi theo Luật HTX và đi vào hoạt động từ năm 2016, đảm nhận các dịch vụ đầu vào, phục vụ tưới tiêu, bảo vệ đồng điền cho thành viên. Trong bối cảnh quỹ đất liên tục bị thu hẹp, những năm qua, HTX đã chủ động đổi mới sản xuất, canh tác theo hướng an toàn sinh thái, nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác, đảm bảo thu nhập cho thành viên.

Chị Hoàng Thị Lệ Diễm, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn cho biết: Trước đây gia đình tôi cấy lúa trên diện tích 2 mẫu, từ năm 2017, gia đình chuyển sang mô hình trồng cúc chi, cúc tiến vua trên diện tích 1,8 ha. Mô hình được triển khai theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn sinh thái, sử dụng phân trùn quế, không sử dụng thuốc hóa học nên chất lượng đảm bảo. Với quy trình sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX được nhiều HTX, doanh nghiệp liên kết bao tiêu, giá thành ổn định, trung bình đạt từ 13- 14 triệu đồng/sào, gấp hơn 2 lần so với trồng lúa.

Không chỉ trồng cúc chi phục vụ chế biến, HTX còn gắn với mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Mỗi độ hoa nở rộ đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm, check in chụp ảnh. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác. Thu nhập từ mô hình trồng hoa kết hợp du lịch trải nghiệm của gia đình chị Diễm trung bình đạt 700-800 triệu đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Trồng cây, hoa dược liệu theo quy trình an toàn sinh học, nói không với hóa chất độc hại đã giúp các thành viên HTX tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp, gia tăng sức hút với khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Giám đốc Hoàng Thị Lễ Diễm cho hay: Với những thành công hiện tại, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành viên, hộ liên kết hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cả cây trồng mới và cũ. HTX chủ động kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng làm ra, góp phần hình thành các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc trưng của địa phương.

Là địa phương có nghề truyền thống đan cói và bèo bồng, tuy nhiên do sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, lấy hàng về làm cho các đại lý, công ty nên thu nhập thấp, việc làm bấp bênh. Để giúp chị em có thêm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, tháng 3/2022, HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ bèo cói Quỳnh Hoa (xã Yên Phong, Yên Mô) chính thức được thành lập nhằm phát huy thế mạnh của các thành viên, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa vụ, mạnh ai nấy làm, đến nay HTX đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều lao động nữ tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Từ đã có hơn 10 năm làm nghề đan cói, bèo bồng cho biết: Tham gia vào HTX chúng tôi đã cùng nhau hỗ trợ truyền dạy nghề cho bà con, ký được nhiều đơn hàng, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho các thành viên. Trung bình mỗi tháng tôi cũng thu nhập từ 6-7 triệu đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với một xã thuần nông như địa phương chúng tôi.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa, Giám đốc HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ bèo cói Quỳnh Hoa cho biết: Hiện nay sản phẩm của HTX xuất sang các nước trên thế giới với mẫu mã đa dạng từ cói và bèo bồng, chất lượng đảm bảo. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho bà con địa phương cũng như liên tục cập nhật các mẫu mã mới phù hợp với xu thế hiện nay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khắt khe của khách hàng. Hiện HTX đang tạo việc làm cho 300 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng, doanh thu của HTX 1 tháng đạt 4-5 tỷ đồng.

Chị Tống Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Khánh cho biết: Việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ bước đầu đã khắc phục được phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Hội LHPN huyện luôn đồng hành với phụ nữ trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, tạo sinh kế, đặc biệt là việc thành lập các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ, đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để chị em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Từ thực tế cho thấy, nhờ khả năng giao lưu xã hội và hoạch định kinh doanh tốt, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, các HTX do phụ nữ làm chủ đã từng bước phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Trở thành địa chỉ để chị em đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ. Tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội. Đến nay toàn tỉnh có hơn 20 HTX do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc thu hút, tập hợp lực lượng lao động nữ tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mo-hinh-htx-do-phu-nu-lam-chu-ngay-cang-phat-huy-hieu-qua/d2023031310018196.htm