Mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ

Vietnam's Autism Projects (VAPs) là một dự án tiên phong tại Việt Nam, được sáng lập bởi anh Nguyễn Đức Trung, với mục tiêu tạo ra mô hình kinh tế hỗ trợ người tự kỷ (hội chứng Asperger và rối loạn tăng động giảm chú ý). Dự án không chỉ mang lại cơ hội việc làm mà còn giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng và khẳng định giá trị bản thân.

Trước khi đến với cộng đồng người tự kỷ, anh Nguyễn Đức Trung từng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, du lịch, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong một lần tiếp xúc với người tự kỷ, anh nhận thấy tại Việt Nam, các mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ tự kỷ khá phổ biến nhưng lại thiếu môi trường giúp họ phát triển kỹ năng lao động khi trưởng thành.

Điều này đặt ra vấn đề: Người tự kỷ sau khi lớn lên sẽ làm gì? Họ có cơ hội nào để sống độc lập và cống hiến cho xã hội? Với những trăn trở đó, từ năm 2013 đến 2015, anh vừa nghiên cứu vừa đầu tư thử nghiệm để tránh rủi ro. Đến năm 2017, VAPs chính thức đi vào hoạt động với mô hình đào tạo việc làm cho người tự kỷ.

Các nhân viên VAPs chào hỏi và giới thiệu sách cho khách.

Các nhân viên VAPs chào hỏi và giới thiệu sách cho khách.

Tọa lạc tại số 254 phố Mai Anh Tuấn, quận Đống Đa (Hà Nội), VAPs hoạt động trong một căn nhà 3 tầng, bao gồm nhà hàng pizza, thư viện mini và siêu thị tích hợp. Mỗi tầng được thiết kế để phù hợp với từng hoạt động cụ thể, tạo môi trường làm việc đa dạng cho các bạn trẻ tự kỷ.

Anh Nguyễn Đức Trung chia sẻ: “Việc triển khai mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là quá trình đào tạo để họ có thể thành công tạo ra sản phẩm tương đối vất vả. Mỗi bạn có mức độ khiếm khuyết và khả năng tiếp thu khác nhau, do đó thời gian và phương pháp đào tạo cũng phải linh hoạt. Đặc biệt, người hướng dẫn cần phải có sự kiên nhẫn, kiến thức sâu rộng về tự kỷ, đồng thời phải có hiểu biết về mô hình kinh tế và kỹ năng quản lý”.

Hiện nay, dự án có 9 nhân sự, trong đó 5 bạn làm việc chính thức và 2 bạn hỗ trợ, tất cả đều trên 15 tuổi và mắc chứng tự kỷ. Các nhân viên ở VAPs đều do anh Trung trực tiếp đào tạo 1:1 đến khi các bạn có thể tự mình đảm nhiệm một nhiệm vụ trong dự án, khi ấy anh mới tiếp tục nhận thêm các bạn khác để đào tạo. Để mọi nhân viên đều có thể tham gia vào quá trình lao động, anh Trung sẽ phân công mỗi bạn đảm nhận một vai trò riêng, từ phục vụ, nấu ăn, pha chế đến bán hàng và quản lý thư viện.

Nguyễn Quang Anh (sinh năm 2003) làm việc tại VAPs từ năm 2021, được anh Trung giao nhiệm vụ hỗ trợ trong quản lý dự án. Là một người có khả năng giao tiếp và thuyết trình tương đối tốt, khi trò chuyện, Quang Anh rất nhanh nhẹn, tự tin kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được sự tự tin, bình tĩnh như hiện tại, Quang Anh đã trải qua một quá khứ đầy khó khăn.

Quang Anh tâm sự: “Ngày còn học lớp 6, vì không giống các bạn nên em thường xuyên bị bắt nạt. Do xấu hổ, em đã không dám nói với mọi người. Khi ấy em cảm thấy không ai có thể hiểu mình nên dần trở nên nóng tính, thậm chí có nhiều hành vi bạo lực. Em thường xuyên gây gổ với mọi người xung quanh và có thái độ không tốt. Nhưng từ khi được làm việc tại VAPs, nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Trung, em đã dần học cách kiểm soát cảm xúc và mở lòng hơn. Giờ đây, em đã có thể thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Mặc dù đôi khi em vẫn bị mọi người trêu chọc nhưng em không còn phản ứng lại bằng hành động nữa mà thay vào đó sẽ tranh luận một cách bình tĩnh".

Một trong những cánh tay đắc lực khác của anh Trung trong dự án đó là Lê Xuân Tùng, sinh năm 1994, hiện là trưởng dự án hiệu sách. Tùng bắt đầu làm việc tại VAPs từ năm 2021 do có người giới thiệu. Trước đó, Tùng từng làm việc tại phòng vé máy bay và công ty chuyển phát nhanh, tuy nhiên VAPs là nơi anh gắn bó lâu nhất. Hồi đầu chưa quen công việc, Tùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc kiểm đếm tiền và thanh toán. Phải mất vài tháng anh mới dần quen công việc.

Đến nay, Lê Xuân Tùng không chỉ phụ trách thanh toán tại VAPs mà còn được giao chia tiền lương cho các nhân viên tại quán. Cuối mỗi ngày, Tùng sẽ thống kê doanh thu rồi chia đều cho các nhân viên. Số tiền lương của các bạn nhận được phụ thuộc vào số lượng khách phục vụ trong ngày.

Từ khi chính thức hoạt động, VAPs đã tiếp đón hơn 10.000 khách hàng, mang lại cho các bạn trẻ tự kỷ cơ hội tiếp xúc và hòa nhập với cộng đồng. Khách hàng khi đến trải nghiệm tại VAPs không chỉ được thưởng thức dịch vụ mà còn hiểu hơn về cuộc sống và công việc của những nhân viên đặc biệt này. Hiện nay, anh Nguyễn Đức Trung đang tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế với nhiều hình thức kinh doanh khác như homestay, triển lãm, giặt là, rửa xe... để trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề mà các em mong muốn. Anh Trung hy vọng mô hình kinh tế này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, tạo cơ hội cho người tự kỷ có môi trường làm việc và phát triển bản thân.

Bài và ảnh: HÀ CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mo-hinh-kinh-te-danh-cho-nguoi-tu-ky-817849