Mô hình làm đèn cầy 'lớn' an toàn tại chùa Buône Prés Phék

Hàng năm, cứ trong thời gian 3 tháng nhập hạ (hay gọi An cư kiết hạ), tại các chùa Nam tông Khmer Sóc Trăng, bà con phật tử thường dâng cúng dường Tam Bảo một vật lễ không thể thiếu đó là đèn cầy (nến) to (trung bình khoảng 10kg/cây). Có chùa tiếp nhận từ vài chục đến hơn 100 cây đèn cầy lớn nhỏ. Chính vì số lượng đèn cầy nhiều, không đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ tại chùa, nên thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa Prés Buône Prés Phék (Bốn Mặt), xã Phú Tân (Châu Thành) nảy sinh ý tưởng mô hình làm đèn cầy to an toàn.

Đến thăm chùa Prés Buône Prés Phék vào những ngày mùa Kan-prés-vesa (tháng nhập hạ), chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo, với các ngôi chánh điện, sala, am, tháp, biểu tượng 12 con giáp... mà ngay từ cổng chùa được các nghệ nhân Khmer thiết kế khá tinh xảo với 3 ngọn tháp tròn 5 tầng, đắp nổi hình tượng các nhân vật trong văn hóa Khmer như: rắn thần Nagar, Reahu (thần gió), sath krud (chim thần)... rất đẹp. Những công trình kiến trúc đều xây dựng theo lối kiến trúc hoa văn, phù điêu rất tinh xảo và cổ kính. Đặc biệt, trong chùa được nhà sư tự đúc được 2 cây đèn cầy to (mỗi cây hơn 1 tấn), có đường kính 1,2m và cao từ 1,3m đến 1,5m. Hai đèn cầy to này được nhà chùa đặt tại ngôi chánh điện và ngôi sala thắp sáng quanh năm suốt tháng.

Sau khi đúc xong thành đèn cầy, nhà chùa đặt trong ngôi chánh điện. Ảnh: Pon Lư

Sau khi đúc xong thành đèn cầy, nhà chùa đặt trong ngôi chánh điện. Ảnh: Pon Lư

Trò chuyện với chúng tôi, thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa và là Chi hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành cho biết: “Xuất phát từ vài năm trước, trong mùa An cư kiết hạ tại một số chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn do đèn cầy bị ngã. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng hỏa hoạn do thắp đèn cầy trong 3 tháng nhập hạ, năm 2015 sau khi tiếp nhận từ 90 đến hơn 100 cây đèn cầy lớn của bà con phật tử dâng cúng dường, sư nảy sinh ý tưởng làm đèn cầy 'lớn' để đảm bảo trong việc phòng, chống cháy nổ tại chùa. Sư cho một số vị sư khác và các thành viên trong Ban Quản trị chùa đào đất thành hình tròn có độ sâu khoảng 60cm, lấy thiếc làm khuôn có đường kính từ 1,2m đến 1,3m, rồi đem hàng trăm chiếc đèn cầy đó đun nấu cho tan chảy để đổ vào khuôn làm thành một cây đèn cầy 'lớn' cho an toàn. Mô hình này được bà con phật tử đồng tình ủng hộ”.

Theo truyền thống, trong suốt thời gian diễn ra mùa nhập hạ, tại ngôi chánh điện, hay ngôi sala các chùa Khmer đều có đốt đèn cầy to để các vị sư sãi có thể thắp sáng và học tập; đồng bào Khmer coi mùa nhập hạ là một trong những mùa lễ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Khi hỏi về cách làm, thượng tọa Thạch Bonl vui vẻ chia sẻ: “Ngay giữa khuôn tôn tròn luồn một dây tim đèn, căng cho thẳng. Tim đèn được làm bằng giấy, hoặc sợi chỉ vải, se sợi chỉ lại với nhau như là se thắt dây, thắt bím. Sau hơn 10 ngày, khi cây đèn cầy cứng chắc, chúng ta đem lên vệ sinh sạch sẽ, rồi khiêng lên đặt tại ngôi chánh điện và ngôi sala. Qua 4 mùa lễ nhập hạ, sư sãi trong chùa Prés Buône Prés Phék cũng bớt đi sự lo lắng trong việc phân công các vị sư túc trực chăm sóc các cây đèn cầy. Hiện nhà chùa đã làm được 2 cây, mỗi cây có trọng lượng hơn 1 tấn được thắp sáng liên tục. Khi nào 2 cây đèn cầy thấp xuống, sư tiếp tục đổ thêm mỗi cây khoảng 50cm nữa”.

Trong thời gian qua, khi biết chùa Prés Buône Prés Phék sở hữu được cặp đèn cầy “lớn” có trọng lượng hơn 2 tấn, bà con phật tử gần xa và một số sư sãi của các chùa Nam tông Khmer trong tỉnh cũng thường xuyên đến xem và chiêm ngưỡng. Sư Thạch Thanh, một trong những vị sư được sư trụ trì chùa phân công chăm sóc chiếc đèn cầy gần 10 năm nay chia sẻ: “So với những mùa nhập hạ trước, thì bây giờ trách nhiệm của sư nhẹ hơn nhiều. Bởi mỗi đêm chỉ lên chăm sóc ngọn lửa 1 - 2 lần là trời sáng rồi. Còn trước kia phải canh liên tục, sợ nhất là đèn cầy đổ ngã cháy lan, nên lúc nào cũng phải quán xuyến và cảnh giác để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy”.

Thượng tọa Thạch Bonl cũng cho biết, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong mô hình làm đèn cầy an toàn cho một số chùa khác, để đề phòng xảy ra cháy nổ do thắp đèn cầy trong mùa nhập hạ.

Pon Lư

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/mo-hinh-lam-den-cay-lon-an-toan-tai-chua-buone-pres-phek-31055.html