Mô hình 'làng trong phố' của M Village bứt tốc

M Village của Nguyễn Hải Ninh đặt mục tiêu tăng công suất lên 1.800 phòng và doanh thu có thể đạt 15,9 triệu USD trong năm nay.

Theo báo cáo của Savills World Research công bố đầu năm nay, nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ tại Hà Nội và TP.HCM đang có dấu hiệu khởi sắc.

Nguồn cung căn hộ dịch vụ tại TP.HCM đã tăng thêm khoảng 8.200 căn trong năm ngoái, giá thuê tăng từ 3 - 8% tùy từng hạng căn hộ.

Tỷ lệ lấp đầy ở cả TP.HCM và Hà Nội đều đạt trên 80% tính đến cuối năm 2023.

Số liệu của Savills chỉ ra một thực tế, nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ tại các đô thị hiện đang rất lớn, trong khi nguồn cung ra thị trường gặp nhiều hạn chế. Với tỷ lệ lấp đầy như hiện tại, sớm muộn phân khúc căn hộ dịch vụ cũng rơi vào tình trạng thiếu cung.

Thực trạng này có thể xem là cơn đau đầu của các chủ đầu tư lớn khi vấn đề pháp lý của nhiều dự án vẫn bế tắc, nhưng lại mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư bất động sản vừa và nhỏ khi có mô hình dự án pháp lý sạch, lại vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ ba năm trước, Nguyễn Hải Ninh - cha đẻ The Coffee House đã đưa vào hoạt động cơ sở lưu trú đầu tiên thuộc chuỗi M Village tại TP.HCM. Đến nay, chuỗi này đã có tới 33 cơ sở gồm cả căn hộ dịch vụ và khách sạn tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội.

Nhiều người gọi mô hình của M Village là "làng trong phố", khi Hải Ninh chọn cải tạo bất động sản ở khu vực các quận đông đúc như: quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận... thành các "ngôi làng" hiện đại cho người trẻ sinh sống.

Các "ngôi làng" của M Village được xây dựng theo mô hình co-living (không gian sống chung) ưu tiên trải nghiệm sống trở nên đang rất thịnh hành tại các nước phát triển.

M Village là một tổ hợp các căn hộ dịch vụ cho thuê linh hoạt trong cả ngắn và dài hạn. Điểm khác biệt là người thuê căn hộ ngoài sở hữu một không gian khép kín, thì còn được dùng chung nhiều tiện ích trong "làng" như thư viện, sân vườn, quán cà phê, địa điểm ăn uống, chăm sóc sức khỏe và kết nối với nhau bằng công nghệ.

Mô hình 'làng trong phố' của M Village ưu tiên yếu tố trải nghiệm sống - Ảnh: VH

Mô hình 'làng trong phố' của M Village ưu tiên yếu tố trải nghiệm sống - Ảnh: VH

Tại các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, mô hình co-living mà M Village đang theo đuổi được đón nhận nhờ đề cao yếu tố dùng chung và tiết kiệm. Người trẻ vừa được kết nối với nhau, vừa có đầy đủ tiện ích sống trong một khuôn viên với giá cả phải chăng.

Tại Việt Nam, yếu tố trải nghiệm sống được M Village ưu tiên hơn, khi các căn hộ có đầy đủ tiện nghi làm việc và dịch vụ dọn phòng, giặt ga gối mỗi tuần, quản gia 24/7.

Trong khi yếu tố "tiết kiệm" lại chưa thực sự phát huy, với giá thuê mỗi căn hộ dịch vụ như vậy dao động từ 7-15 triệu đồng mỗi tháng chưa gồm tiền điện, nước...

Nguyễn Hải Ninh không cho đây là vấn đề, khi định hướng của M Village từ ngày đầu thành lập là nhắm tới đối tượng người độc thân, các gia đình trẻ có thu nhập tốt, thay vì đối tượng học sinh, sinh viên chỉ cần một phòng trọ diện tích nhỏ để ở.

M Village được đội ngũ sáng lập định vị là chuỗi căn hộ dịch vụ ở tầm trung, có quy mô gần 1.000 phòng tính đến cuối năm 2023, bao gồm cả căn hộ dịch vụ và khách sạn.

Dù đi theo mô hình lưu trú phải tự đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, tiện ích, nhưng lý do khiến M Village liên tục lớn nhanh là ngoài các địa điểm do chuỗi này tự phát triển, thì còn có các cơ sở do doanh nghiệp vận hành thay cho các chủ sở hữu bất động sản và có tính phí quản lý hộ.

Số lượng các cơ sở do M Village vận hành thay chủ đầu tư chiếm khoảng một phần ba. Chủ đầu tư sẽ chịu toàn bộ chi phí xây dựng, sửa chữa, thiết bị theo thiết kế của M Village. M Village vận hành từ tuyển dụng, trả lương nhân sự, tiếp thị thu hút khách hàng và hưởng phí dịch vụ.

Dù không tiết lộ khoản đầu tư ban đầu cho mỗi cơ sở, nhưng phía M Village khẳng định luôn tiết kiệm cho cả mình lẫn phía các chủ đầu tư.

Trung bình mỗi cơ sở sau khai thác khoảng hai năm là hoàn được vốn đầu tư ban đầu.

M Village hiện có 33 cơ sở lưu trú với công suất gần 1.000 phòng - Ảnh: VH

M Village hiện có 33 cơ sở lưu trú với công suất gần 1.000 phòng - Ảnh: VH

Để phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, M Village gần đây đã huy động 10 triệu USD vốn đầu tư từ Trip.com. Khoản đầu tư này được chia thành hai đợt 7,5 triệu USD và 2,5 triệu USD, trong đó M Village đã nhận được đợt đầu tiên.

Ngoài ra, Trip.com còn mua lại cổ phần trị giá 1 triệu USD từ nhà đầu tư cũ. Sau giao dịch, Trip.com trở thành cổ đông lớn thứ hai tại M Village. Đồng thời, đại diện Trip.com sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của M Village.

Trước đó, vào năm 2022, M Village đã huy động 1,7 triệu USD trong vòng Series A từ các quỹ đầu tư STI Holdings (Việt Nam), Vulpes Ventures (Singapore), Genesia Ventures (Nhật Bản) và Access Ventures (Hàn Quốc). Tới tháng 11/2023, M Village đã gọi vốn thành công 2,3 triệu USD để đẩy mạnh chiến lược mở rộng.

Năm nay, M Village đặt mục tiêu tăng công suất lên 1.800 phòng và doanh thu có thể đạt 15,9 triệu USD, trong khi năm ngoái doanh thu công ty đạt 6 triệu USD.

Phía M Village cho biết, doanh nghiệp đang nhận được nhiều lời mời của các chủ nhà và chủ dự án để hợp tác kinh doanh lưu trú nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn.

Theo một khảo sát của JLL vào năm ngoái, khoảng 80% nhà đầu tư được hỏi cho biết họ đã hoặc đang quan tâm đến việc đầu tư vào bất động sản co-living tại Đông Nam Á.

Trong đó, khách sạn giá rẻ và bình dân là một trong những loại hình bất động sản đầu tiên được ưu tiên chuyển đổi thành co-living do có kích thước phù hợp. Tuy nhiên, để chuyển đổi các loại tài sản khác sang co-living sẽ phải mất nhiều thời gian và tài chính nhằm đảm bảo tuân thủ luật pháp.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/mo-hinh-lang-trong-pho-cua-m-village-but-toc-1721748097018.htm