Mô hình lúa - cá đạt hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá (lúa - cá) đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội, đạt hiệu quả kinh tế tốt gắn với bảo vệ môi trường. Với mô hình này đã giúp nông dân hạn chế tối đa việc xử lý môi trường trong sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cá, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên.

Lan tỏa nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả
Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp

Năng suất cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống

Bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, trên bờ ao trồng hoa màu, cây ăn quả. Mô hình sản xuất kết hợp này tận dụng được tối đa từng mét nước, tấc đất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đang được các cấp chính quyền cùng người dân quan tâm, nhân rộng.

Tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), mô hình lúa - cá trong những năm qua đã phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân. Thực tế cho thấy, mô hình thả cá trong ruộng lúa cho năng suất tốt, thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với chỉ trồng 2 vụ lúa. Ông Nguyễn Văn Điện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hợp Thanh cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX là 79ha; mô hình lúa - cá được được quy hoạch 110ha và diện tích đã được phê duyệt 28,39ha. Theo đó, diện tích lúa - cá của HTX nông nghiệp Hợp Thanh sau khi được phê duyệt đã đi vào sản xuất ổn định. Qua đánh giá, năng suất thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với chỉ trồng thuần túy 2 vụ lúa. Cụ thể, thu nhập trên 1ha từ lúa và cá dao động từ 110 - 130 triệu đồng/vụ.

Anh Đinh Văn Hòa (thôn Thọ, xã Hợp Thanh) được xem là người tiên phong thực hiện mô hình này. Anh Thanh chia sẻ, “những năm trước đây gia đình chỉ trồng chuyên canh cây lúa nên cuộc sống gặp khó khăn. Sau nhiều năm lao động vất vả, kết quả cũng không mấy khả quan nên tôi luôn trăn trở, tìm tòi phải làm thế nào cho có thêm thu nhập ổn định ngoài cây lúa".

Từ khi có chủ trương của huyện Mỹ Đức về chuyển đổi mô hình canh tác, anh Hòa nhận thấy mô hình lúa - cá kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao nên đã bắt tay vào thực hiện. Năm đầu tiên với diện tích 1ha, sau khi đào mương cao ráo, gặt lúa xong anh Hòa thả cá trắm và cá chép. Thật bất ngờ, mô hình lúa - cá kết hợp mang lại cho anh hiệu quả ngay vụ nuôi đầu tiên. Đến nay, diện tích thả cá trong ruộng lúa của gia đình anh Hòa đã tăng lên trên 6ha. Từ năm 2016, anh Hòa cùng nhiều hộ trong HTX nông nghiệp Hợp Thanh đã chuyển hẳn sang mô hình lúa - cá. Với diện tích trên, anh Hòa thả chủ lực cá trắm cỏ, cá chép và cá rô... Mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, cho thu nhập 250 triệu đồng/vụ.

Các hộ dân ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ triển khai mô hình lúa – cá
Ảnh: Bình Minh

Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân

Từ hiệu quả của mô hình lúa - cá mang lại, trong những năm qua ngành nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong việc phát triển và nhân rộng mô hình. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thực hiện chương trình khuyến nông năm 2022, từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã hỗ trợ một số địa phương làm điểm mô hình lúa - cá với diện tích trên 10ha. Đơn cử như tại các xã Đông Yên, Sài Sơn (huyện Quốc Oai), Vạn Thắng (Ba Vì), Tri Trung (Phú Xuyên), Hòa Lâm (Ứng Hòa), Hợp Thanh (Mỹ Đức).

Theo đó, khi tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 100% cá giống, 50% thức ăn cho cá và 50% chế phẩm sinh học để xử lý nước. Mặt khác, các hộ được trạm khuyến nông tập huấn về cách cải tạo nguồn nước nuôi cá và cách nuôi cá thả trong ruộng lúa, cách nhận biết được một số bệnh thường gặp trên con cá. Đồng thời cử cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình đạt hiệu quả cao.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mô hình được triển khai với mục đích mang lại hiệu quả "kép" cho người nông dân do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn.

Ngoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa. Cá nuôi trong ruộng lúa không chỉ nhanh lớn, màu đẹp mà khi chế biến thành món ăn, thịt cũng chất lượng, thơm, ngon hơn cá nuôi trong ao. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong cùng một diện tích sản xuất và tạo ra sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh.

“Ngoài thu hoạch 1 vụ lúa xuân năng suất cao, đạt trên 60 tạ/ha, việc nuôi trồng thủy sản trên đất lúa cho năng suất trung bình 8,4 tấn/ha, lãi 60 - 80 triệu đồng/ha. Mô hình tạo hiệu quả kép tiết kiệm còn tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá”, bà Hương thông tin thêm.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Thảo Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/mo-hinh-lua--ca-dat-hieu-qua-kinh-te-gan-voi-bao-ve-moi-truong-i288603/