Mô hình lưu trú trải nghiệm ở Hội An: Điều chỉnh theo hướng 'mở'

Chính quyền TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa công bố và điều chỉnh về quy định thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân trong khu phố cổ theo hướng 'mở' hơn, vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của thành phố di sản.

Khu trung tâm phố cổ Hội An - nơi thí điểm đón khách lưu trú.

Khu trung tâm phố cổ Hội An - nơi thí điểm đón khách lưu trú.

Giữ chân du khách bằng văn hóa phố cổ

Phố cổ Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước bởi nơi đây là di sản văn hóa thế giới, với những ngôi nhà cổ kính rêu phong, cảnh quan sông nước thanh bình và con người hiền hòa mến khách cùng những hoạt động văn hóa sôi nổi và phong cách ẩm thực vô cùng độc đáo... Điều đó cho thấy nếu “giữ chân” du khách bằng mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An thì lượng du khách, cũng như doanh thu cho ngành du lịch chắc chắn tăng lên, đồng thời là một cách hiệu quả để gìn giữ văn hóa của phố cổ.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, theo phương thức hoạt động của mô hình lưu trú này, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân phố cổ. Ngoài ra còn có thể tìm hiểu nét văn hóa, phong tục, tập quán của người dân nơi đây.

“UBND TP Hội An đã có một số quy định để triển khai thực hiện thử nghiệm thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ như: Trong khu vực phố cổ, ưu tiên nhà trong kiệt, hẻm khu vực I và những khu vực tiệm cận, liền kề với khu vực I; nhà mặt tiền khu vực I, IIA khu phố cổ. Đối tượng được chọn là cư dân bản địa, có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động, đạt gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương” - ông Lanh cho biết.

Sự quản lý chặt chẽ còn ở chỗ hồ sơ đăng ký tham gia mô hình phải có giấy tờ về nhà ở, đất ở, hồ sơ thiết kế và giấy phép xây dựng nhà ở; giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú, đơn đăng ký tham gia kèm giấy tờ pháp lý liên quan tại địa phương nơi cư trú…

Cùng với đó, bắt buộc ngôi nhà phải có kiến trúc phù hợp, có phòng, không gian đáp ứng yêu cầu phục vụ khách lưu trú, sinh hoạt, tương tác và trải nghiệm cùng gia đình. Ưu tiên những ngôi nhà có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Nhà có không quá 5 phòng đón khách và phòng có sức chứa tối đa 2 người, không bố trí quầy lễ tân tại nơi đón tiếp khách.

Khi đón khách, các hộ phải thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia đời sống sinh hoạt hàng ngày cùng gia đình. Hộ gia đình tổ chức đón khách phải bảo đảm các quy định của Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thành phố cũng yêu cầu các hộ đăng ký kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Du khách đi dạo ở phố cổ Hội An. Ảnh: X.M.

Du khách đi dạo ở phố cổ Hội An. Ảnh: X.M.

Vì sao 4 tháng mới có 1 hộ đăng ký?

Tuy nhiên, sau 4 tháng triển khai thí điểm mô hình đón khách lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An, chỉ có 1 hộ dân đăng ký loại hình này. Thực tế triển khai, thành phố cũng nhận thấy phát sinh một số nội dung chưa thật sự phù hợp, nên đã điều chỉnh quy định theo hướng nới lỏng tiêu chí hơn.

“Do trước đó quy định chủ thể kinh doanh mô hình phải là GĐVH tiêu biểu, là những hộ đạt GĐVH từ 3 năm trở lên, đã được cộng đồng bình xét. Như vậy rất khó, vì chỉ tiêu GĐVH tiêu biểu bây giờ khống chế số lượng, mỗi khu dân cư chỉ có 1 hộ được bình chọn GĐVH tiêu biểu hàng năm. Điều này vô tình cản trở các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lưu trú trải nghiệm tại phố cổ” - ông Lanh cho biết.

Quy định mới được sửa đổi theo hướng mở, chỉ yêu cầu hộ dân được công nhận là GĐVH 3 năm liên tục, còn quy định GĐVH tiêu biểu không phù hợp. Hiện TP Hội An vẫn đang trong giai đoạn thí điểm mô hình đón khách trải nghiệm, thành phố sẽ rà soát kỹ các hộ có nhu cầu, phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí có thể thực hiện.

TP Hội An đang hy vọng sản phẩm du lịch mới sẽ vừa giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của thành phố di sản.

Hội An hiện có khoảng 1.360 di tích, trong đó có 1.068 ngôi nhà cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ và 1 cây cầu cổ luôn là điểm đến nghiên cứu hay chiêm ngưỡng của du khách gần xa.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-hinh-luu-tru-trai-nghiem-o-hoi-an-dieu-chinh-theo-huong-mo-10291369.html