'Mô hình Mumbai' giúp đẩy lùi COVID-19 ở thành phố đông dân nhất Ấn Độ
Thành phố Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ ngày 10/5 ghi nhận 2.395 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức trung bình 7.786 ca/ngày trong tháng 4. Điều gì đã tạo ra chuyển biến tích cực này?
Cho tới cuối tháng trước, nhân viên trực tổng đài 27 tuổi Ashish Avhad vẫn còn phải liên tục tiếp nhận các cuộc điện thoại từ bệnh nhân mắc COVID-19 muốn tìm kiếm giường bệnh, xe cứu thương và hướng dẫn cách ly tại nhà.
Avhad làm tại “phòng ứng cứu khẩn cấp” tại thủ phủ tài chính Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ với 12,5 triệu dân, thuộc bang miền Tây Maharashtra. Trong thời đỉnh điểm làn sóng lây nhiễm COVID-19 quét qua thành phố hồi tháng 4, trung bình một ca làm việc 8 tiếng Avhad nhận tới 100 cuộc gọi, đa số đều là những tình huống khẩn cấp.
Tại tâm dịch Mumbai, lây nhiễm bắt đầu đạt đỉnh vào tháng 2 vừa qua. Đến ngày 4/4, thành phố này ghi nhận số ca mắc mới kỉ lục trong ngày, với 11.206 trường hợp nhiễm bệnh. Ở thời điểm đó, các bệnh viện tại Mumbai rơi vào tình ảnh thiếu oxy y tế, giường bệnh, lời kêu cứu tràn ngập trên mạng xã hội. Nhưng trong 10 ngày trở lại đây, Mumbai ghi nhận xu hướng suy giảm ca lây nhiễm.
“Mô hình Mumbai” trong phòng chống đại dịch COVID-19
Tuần trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lên tiếng ca ngợi cách thức quản lý, phân phối, sử dụng oxy y tế ở Mumbai và khuyến nghị chính quyền thủ đô New Delhi áp dụng “mô hình Mumbai” để ngăn chặn đại dịch. Vậy cách thức Mumbai xử lý cuộc khủng hoảng oxy ở Mumbai có điểm gì đặc biệt?
Theo Ủy viên trưởng Hội đồng thành phố Mumbai Iqbal Singh Chahal, chính quyền cho lập ra các đội xử lý khủng hoảng, giám sát chặt chẽ các bệnh viện vốn đang bị quá tải bởi các cuộc gọi điện cấp cứu. Đội này làm việc theo nhóm mạng lưới giữa các bệnh viện và chuyển oxy ở điểm dư thửa tới điểm khác bị khan hiếm do nguồn cung.
Trước đó, thành phố cũng lắp đặt 24 trạm oxy y tế lỏng (LMO) ở những cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Một nửa số trạm LMO này không phải dùng đến trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, nhưng ở làn sóng lây nhiễm thứ hai, đó là nguồn cung ứng quý giá. Năm 2020, nhu cầu oxy của Mumbai thời đỉnh dịch là 210 m3, còn ở làn sóng thứ 2 năm nay vọt lên 270 m3, khi số ca mắc trong thành phố dao động 80-89.000 ca. Có thời điểm, 168 bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện tư đã buộc phải chuyển tới một bệnh viện dã chiến, do thiếu oxy. Nhiều bệnh viện tư cũng chuyển bệnh nhân và hạn chế tiếp nhận người bệnh.
Khi nhận thấy oxy được phân phối cho thành phố đã bị chuyển đi những những điểm khác, Chahal cho lập nhóm chuyên giám sát xe bồn chở oxy và bố trí nhân viên giám sát túc trực tại các trạm nạp oxy. “Mô hình Mumbai” cũng hướng đến việc sử dụng hợp lý oxy, bảo vệ nguồn oxy. Mọi bệnh viện đều được yêu kiểm tra, ngăn chặn việc rò rỉ, thất thoát oxy trong quá trình chiết xuất, sử dụng. Nhóm chuyên gia đặc trách COVID-19 ở bang Maharashtra cũng đã lên tiếng đề xuất ngừng sử dụng máy thở oxy dòng cao (HFNO) sang máy thở không xâm lấn để tiết kiệm nguồn oxy.
Số ca mắc tại Mumbai giờ rớt xuống còn 51.165, lượng tiêu thụ oxy là 240m3. Trong khi đó, tại thủ đô New Delhi, số ca mắc là khoảng 88.000 ca, nguồn cung oxy trong khả năng là 499m3, dù có đề nghị tới 700m3. Nhưng “Mô hình Mumbai” không chỉ là việc quản lý, điều tiết hiệu quả oxy, mà còn là sự kết hợp một loạt những sáng kiến khác ngay từ khi COVID-19 xuất hiện. “Chúng tôi xử lý làn sóng lây nhiễm thứ hai tốt [hơn nhiều nơi], nhờ vào các hệ thống đã lắp đặt trước trong làn sóng thứ nhất”, ông Chahal nói.
Trong hơn 10 đầu việc đã thực hiện được ông Chahal liệt ra, nổi nhất là quyết định phân chia phòng ứng cứu thảm họa thành 24 phòng tình huống nhỏ. Nó tựa như việc tạo ra 24 Mumbai thu nhỏ và việc phân quyền như vậy giúp giảm tải áp lực, tăng hiệu quả công việc trong phân luồng, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến lớn nhất tại Mumbai đảm trách điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân. Đây là bệnh viện được xây dựng từ năm ngoái. Ngoài giường bệnh tại bệnh viện công, cơ quan chức năng cũng sử dụng tới 80% giường bệnh tại bệnh viện tư để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thông qua công tác điều tiết từ phòng tình huống. Biện pháp này giúp tăng hiệu quả sử dụng giường bệnh.
Một đầu việc khác được ông Chahal đánh giá cao chính là quyết định đặt mua thuốc kháng viêm remdesivir, chấp nhận mức giá cao hơn 300% so với giá gốc. Đại dịch bùng phát khiến remdesivir rơi vào khan hiếm. “Tôi quyết định mua đắt, bởi tôi cần phải cứu mạng sống cho người dân”, ông Chaha nói.
Đề phòng làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể xảy ra, chính quyền Mumbai đã thông qua kế hoạch xây thêm 3 bệnh viện dã chiến mới. Thành phố cũng thông báo tất cả các bệnh viện sẽ được trang bị các trạm phân phối oxy riêng, chuyên sản xuất oxy cấp độ y tế từ không khí.