Mô hình nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Phiên tòa giả định là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động, giúp nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật.
Ban Công tác phía Nam (Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam), Hội LHPN tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “dâm ô với người dưới 16 tuổi”.
Đây là một trong những hoạt động của chuỗi truyền thông Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại tỉnh An Giang, chương trình tập huấn công tác giám sát, phản biện xã hội và quy trình, kỹ năng tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em năm 2023. Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, biết cách nhận biết, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Vụ án được xét xử lưu động tại khu dân cư Sao Mai, phường Bình Khánh (TP Long Xuyên) với sự tham dự của 155 người là chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN cấp huyện phụ trách công tác chính sách luật pháp; chủ tịch Hội LHPN xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Nội dung vụ án xét xử giả định như sau: Trần Văn Hội làm nghề phụ hồ, có quen biết với gia đình bé Kim Anh (sinh năm 2017). Trong một lần bé Kim Anh qua nhà Hội chơi, Hội đã nảy sinh dục vọng và có những hành vi dâm ô đối với bé. Sau đó, Hội cho bé 10.000 đồng kèm với lời đe dọa: “Không được cho ai biết”.
Gia đình bé Kim Anh thấy những biểu hiện bất thường của bé nên đã gặng hỏi. Bé kể lại sự việc với sự hoảng sợ tột độ. Sự việc sau đó đã được gia đình trình báo đến cơ quan chức năng.
Hội bị truy tố ra TAND TP Long Xuyên về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
HĐXX nhận định hành vi của Hội là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an. Tòa phạt Hội hai năm sáu tháng tù để răn đe, giáo dục bị cáo, đồng thời phòng ngừa chung trong xã hội.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Công tác phía Nam Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ: “Phiên tòa giả định là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động. Phiên tòa được rất nhiều học sinh và người dân đón nhận trong thời gian gần đây. Đặc biệt là sau khi triển khai Dự án 8, các cấp hội đã đưa mô hình này vào trong hoạt động nâng cao kiến thức pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số”.