Mô hình nấu ăn bán trú ở Thuận Châu

Thuận Châu có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn, địa hình chia cắt, các bản nằm rải rác xa trung tâm, do vậy, số học sinh học bán trú khá lớn. Những năm trước đây, việc duy trì sĩ số học sinh là bài toán nan giải, nhưng từ khi thực hiện mô hình tổ chức nấu ăn bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Giờ ăn bán trú của học sinh Trường TH-THCS É Tòng.

Giờ ăn bán trú của học sinh Trường TH-THCS É Tòng.

Vượt hơn 60 km từ trung tâm thị trấn Thuận Châu đến xã É Tòng, là vùng III nên đường đi còn khó khăn, bản cách xa trung tâm xã nhất là 14 km. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở É Tòng hiện có 22 lớp với gần 700 học sinh, trong đó có 300 học sinh ở bán trú. Thầy giáo Lò Văn Thươi, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Để đảm bảo công tác nấu ăn bán trú cho số đông học sinh, nhà trường ký hợp đồng với nhà cung ứng thực phẩm có uy tín, chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh. Hàng tuần, Ban giám hiệu nhà trường cùng nhân viên nhà bếp lên thực đơn, tính toán khẩu phần ăn cho học sinh đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Từ việc thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú, cả phụ huynh và nhà trường đều yên tâm, học sinh đảm bảo sức khỏe tốt để học hành.

Còn tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Long Hẹ, xã Long Hẹ, hiện có 29 lớp, 45 cán bộ, giáo viên, 948 học sinh, trong đó trên 665 em ăn, ở bán trú. Nhà trường hiện có 19 phòng bán trú, 10 nhân viên nấu ăn. Tại đây, các em không chỉ được giáo dục kiến thức, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, còn được giáo viên phụ trách quản lý, hướng dẫn ôn bài, vệ sinh phòng ở và môi trường xung quanh, tham gia hoạt động thể dục, thể thao; dạy kỹ năng sống cơ bản. Mỗi lớp đều được giao một khoảnh đất để các em trồng rau, bổ sung vào bữa ăn hằng ngày.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Long Hẹ, cho biết: Ngoài giảng dạy, Ban giám hiệu và thầy cô trong trường còn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo bữa ăn cho các em, gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp các em yên tâm học tập. Em Lò Thị Đoan, học sinh lớp 8B nói: Nhà em ở cách trường 14 km, đi lại rất vất vả. Được các thầy, cô giáo quan tâm, tạo điều kiện cho ăn, ở bán trú, ngoài giờ học còn hướng dẫn học bài, học ngoại khóa, em thấy rất yên tâm. Chúng sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ.

Theo ông Thiệu Nam Bình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu, cho biết: Toàn huyện hiện có 26 trường tổ chức nấu ăn bán trú cho hơn 6.900 học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác bán trú đã và đang từng bước được đầu tư đồng bộ, nhà ở bán trú đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông, hoàn thiện các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú ở các xã vùng cao, góp phần nâng tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 99%.

Để duy trì hiệu quả mô hình bán trú cho học sinh, 100% các trường bán trú đều xây dựng nội quy bán trú. Các em học sinh bán trú được tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, học tập nhóm, tập thể dục giữa giờ và tổ chức thể thao vào các buổi chiều... tạo ra môi trường vui chơi, thư giãn giúp các em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn sau những giờ học căng thẳng, gắn kết tình cảm bạn bè. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức cho học sinh bán trú tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, như: trồng rau xanh, nuôi lợn, gà... vừa giúp cải thiện bữa ăn, rèn luyện kỹ năng lao động, giáo dục kỹ năng sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự lập cho mỗi học sinh... tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học ở huyện Thuận Châu.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-nau-an-ban-tru-o-thuan-chau-37765