Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn
Những mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm, Góp vốn xoay vòng,... tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Cang, huyện Cần Đước không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu mà còn chia sẻ khó khăn với những mảnh đời cơ cực
1. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Long Cang, huyện Cần Đước chọn Chi hội PN ấp 1 làm điểm triển khai, thực hiện mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm với 10 hội viên (HV) tham gia. HV, PN tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, ai có nhiều thì góp nhiều, có ít góp ít, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Bà Trần Thị Nhanh (xã Long Cang, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Mỗi lần đi chợ, tôi thường tiết kiệm, chỉ mua những món cần thiết nên để dành được một ít tiền bỏ ống heo. Thông thường vào ngày 20/10 (Ngày PN Việt Nam), tôi sẽ đập heo, góp một phần tiền giúp những mảnh đời khó khăn ở địa phương. Số tiền còn lại, tôi dùng trong sinh hoạt gia đình hoặc mua quần áo, sách vở cho con đi học”.
Em Trần Ngọc Lệ Chi (ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước) sinh ra đã bị bệnh nan y bẩm sinh. Hàng tháng, gia đình đưa em đến bệnh viện tại TP.HCM để điều trị, rất tốt kém, trong khi đó, hoàn cảnh gia đình không khá giả. Chia sẻ với hoàn cảnh này, hàng tháng, Hội LHPN xã Long Cang trích một số tiền từ mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm để tặng quà, nhu yếu phẩm cho Lệ Chi. Những phần quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đong đầy tình yêu thương, sự sẻ chia của HV, PN với gia đình Lệ Chi.
Bà Nguyễn Thị Bé (mẹ của em Trần Ngọc Lệ Chi) nghẹn ngào nói: “Hàng tháng, nhận được gạo và nhu yếu phẩm, gia đình tôi rất quý. Cảm ơn sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Long Cang!”.
Từ hiệu quả của mô hình, Hội LHPN xã Long Cang quyết định nhân rộng toàn xã. Đến nay, Hội thành lập được 6 mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm ở các chi, tổ hội, bình quân, mỗi mô hình có 12-15 người tham gia. Theo đó, người tiết kiệm ít nhất cũng được 500.000 đồng, người tiết kiệm nhiều từ 7-8 triệu đồng. Số tiền này, HV, PN dùng mua sách vở, quần áo cho con vào đầu năm học và trích ra một phần để tặng quà, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
2. Đối với người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình là “bệ đỡ” giúp vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiểu được điều này, bà Nguyễn Thị Kim (Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) thành lập mô hình Góp vốn xoay vòng với 12 thành viên tham gia, nhằm hỗ trợ vốn cho chị em có hoàn cảnh khó khăn đầu tư nuôi bò với lãi suất ưu đãi 1%/tháng. Ban đầu, các thành viên góp 100.000 đồng/người. Nhận thấy mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, các thành viên bàn với nhau góp 500.000 - 1 triệu đồng/người. Kết quả, đến nay, mô hình có nguồn vốn xoay vòng trên 50 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Điều (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) có cuộc sống ổn định nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng để nuôi bò
Bà Bùi Thị Điều (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) là thành viên đầu tiên được nhận 20 triệu đồng mua 2 con bò giống. Nhờ cần cù cùng với am hiểu kỹ thuật nuôi bò sinh sản, đàn bò của gia đình bà Điều phát triển tốt. Bà Điều bộc bạch: “Từ lâu, tôi ấp ủ ý định tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ để nuôi bò sinh sản nhưng không có vốn. Năm 2019, tôi được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để mua 2 con bò giống. Đến nay, đàn bò phát triển gần 30 con, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, nhất là có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn lực của chương trình cũng rất cần sự chủ động, tích cực chung tay của người dân. Và, nhiều địa phương đang làm tốt công tác này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tránh tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mo-hinh-nho-y-nghia-lon-a164014.html