Mô hình nuôi dê sinh sản của phụ nữ Chiềng Ngần
Qua gần 1 năm thực hiện, mô hình nuôi dê sinh sản của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Ngần (Thành phố) bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo sinh kế cho hội viên phụ nữ có việc làm và tăng thu nhập.
Mô hình nuôi dê sinh sản của Hội LHPN Chiềng Ngần được thực hiện từ 5/2019 với tổng kinh phí 40 triệu đồng từ Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 2017- 2025” do HLH Phụ nữ Thành phố triển khai. Tham gia mô hình có 20 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN xã Chiềng Ngần, mỗi hội viên được hỗ trợ 1 cặp dê sinh sản với cam kết thực hiện theo phương pháp nuôi nhốt đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Để mô hình phát huy hiệu quả, cán bộ Hội đã đến tận các hộ tuyên truyền, hướng dẫn hội viên cách thức nuôi dê nhốt chuồng, tổ chức các buổi bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê sinh sản cho các hội viên trong các chi hội. Trong năm 2019, Hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức 10 lớp tập huấn tại 8 bản trong xã thu hút 350 hội viên phụ nữ tham gia, nội dung chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả... Trong lớp tập huấn, các hội viên cũng đã chủ động đặt câu hỏi để tìm hiểu về cách nuôi, chăm sóc đàn dê phát triển hiệu quả...
Đến thăm gia đình chị Lù Thị Chum, bản Híp, một trong 20 hội viên phụ nữ được hưởng lợi từ chương trình. Chị Chum chia sẻ: Gia đình tôi khá khó khăn, diện tích đất ở và nương rẫy để trồng trọt không có nhiều, tôi và chồng phải đi làm thuê để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Sau khi nhận được dê từ chương trình, gia đình tôi đã dựng chuồng cách nhà 100 m2, trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho dê. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, đàn dê phát triển tốt, không bị dịch bệnh, từ một cặp dê được hỗ trợ, đến nay gia đình tôi đã có 8 con.
Rời nhà chị Chum, chúng tôi đến thăm gia đình chị Cà Thị Tươi, bản Pát, được biết ngoài số dê được hỗ trợ, gia đình chị còn được Hội LHPN xã vay vốn 20 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi dê và trồng cây ăn quả. Qua 1 năm chăm sóc, đàn dê của hộ chị Tươi đã tăng thêm 7 con. Gia đình chị giữ lại con cái để làm giống và bán 3 con đực, thu được 13 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê của mình, chị Tươi cho biết: Sau khi nhận được dê hỗ trợ, gia đình chị đã dựng chuồng trại kiên cố, thông thoáng để thuận tiện cho việc quản lý và chăm sóc, nhất là lúc dê đẻ. Đồng thời, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định... Để chủ động lượng thức ăn đầy đủ cho đàn dê, gia đình chị cũng đã dành gần 500 m² đất vườn để trồng rau khoai lang, cỏ voi làm thức ăn cho dê.
Trước lợi ích của nuôi dê nhốt chuồng, không tốn nhiều công sức, ít bệnh, quay vòng vốn nhanh, chi phí đầu tư thấp, chuồng trại cũng đơn giản nên nhiều hội viên phụ nữ trong xã học tập làm theo. Từ 20 hội viên được hỗ trợ nuôi 40 con, đến nay, đã có 25 hội viên tham gia nuôi gần 200 con, mở ra hướng mới giúp hội viên nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.