Mô hình nuôi dế thương phẩm ở Mường Khoa

Vốn đầu tư ít, không tốn nhiều diện tích, nguồn thức ăn dồi dào, lại có thu nhập thường xuyên... là những ưu điểm nổi bật từ những mô hình nuôi dế thương phẩm ở xã Mường Khoa (Bắc Yên).

Mô hình nuôi dế thương phẩm của chị Lò Thị Hiền, bản Khằng, xã Mường Khoa (Bắc Yên).

Mô hình nuôi dế thương phẩm của chị Lò Thị Hiền, bản Khằng, xã Mường Khoa (Bắc Yên).

Mô hình nuôi dế thương phẩm ở xã Mường Khoa đang mang lại hiệu quả kinh tế, được bà con nhân rộng. Điểm đáng chú ý là, mô hình này đều từ những người trẻ tuổi tự mày mò kỹ thuật nuôi qua sách, báo, internet và tìm đầu ra trên mạng xã hội facebook.

Thăm trại dế của chị Lò Thị Hiền, bản Khằng cách nhà 300 m, với diện tích 50 m². Các chuồng nuôi dế xây bằng gạch, trát xi măng, phía trên được ốp gạch men để dế không ra ngoài; bên trong chuồng nuôi dế thịt được đặt những lồng nhỏ đan bằng tre giúp dế bám, đậu; còn chuồng nuôi dế đẻ trứng có những khay cát, thi thoảng phun sương, tạo độ ẩm. Tìm hiểu được biết, chị Hiền vô tình xem được mô hình nuôi dế của anh La Văn Quý, cựu sinh viên Trường đại học Tây Bắc trên mạng facebook, qua tìm hiểu thấy mô hình này ít vốn, thức ăn dễ kiếm nên quyết định đầu tư nuôi dế lửa. Tháng 10/2018, chị mua 3 khay trứng dế tại Trại dế Tây Bắc (Thành phố) với giá 600 nghìn đồng về để nuôi. Chuồng nuôi ban đầu gồm khung tre lót bạt bên trong. Sau này, khi đàn dế phát triển số lượng lớn, chị làm chuồng nuôi kiên cố, duy trì với 7 chuồng. Chị Hiền cho hay: Ban đầu nuôi chưa có kinh nghiệm, trứng dế mang về để ẩm quá nên trứng nở ít, dế con hay bị chết; sau đó phải tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi, theo dõi tập tính và chăm sóc đúng cách. Thức ăn cho dế ở giai đoạn mới nở là bột cám ngô, gạo. Khoảng 10 ngày sau thì cho ăn một số loại rau, cỏ, như: Lá sắn, rau lang, cỏ voi, lá chuối; thi thoảng phun sương để tạo độ ẩm cho dế sinh trưởng và phát triển. Mỗi ngày cho dế ăn ba lần, nuôi đến 45 ngày có thể bán dế thương phẩm. Còn đối với những con dế được chọn để đẻ trứng làm giống thì nuôi đến 50 ngày. Do mới nuôi, chưa nhiều kinh nghiệm, nên tôi mới xuất bán được 2 lứa, mỗi lứa khoảng 20 kg dế thịt, bán với giá 200.000 đồng/kg cho các thương lái từ Mai Sơn, Phù Yên, Thành phố đến tận nhà thu mua. Ngoài ra, còn bán dế nhỏ cho những người có nhu cầu làm thức ăn cho chim, bán trứng cho các hộ lân cận về nuôi. So với vật nuôi khác, chi phí nuôi dế thấp, không mất nhiều công chăm sóc.

Tiếp tục đến thăm mô hình nuôi dế của gia đình anh Lừ Văn Đức, bản Pót. Chỉ với mấy con dế giống bắt được trong vườn nhà, sau một tháng dế sinh sản, gia đình anh đã lựa chọn được 600 con dế cái và 300 con dế đực, tận dụng chậu, hộp xốp để nhân giống. Khi nhân giống thành công, gia đình anh đầu tư 600.000 đồng mua bạt làm 7 chuồng. Mỗi chuồng cao khoảng 80 cm, quây bằng bạt, cách miệng chuồng 1 gang tay, dán 1 đường băng dính để dế không bò ra ngoài và che bằng các tấm lưới mỏng để chống các loại côn trùng khác tấn công dế; chân chuồng nuôi để bát nước hoặc bát dầu thải xe máy để chống kiến, mối. Quá trình nuôi, anh Đức đã tích lũy, đúc rút kinh nghiệm, bây giờ anh đã nắm chắc từng giai đoạn phát triển của dế. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Đức chia sẻ: Để dế phát triển tốt, gia đình tôi đã tạo môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Vào mùa sinh sản, bố trí các khay cát đặt vào trong ô chuồng, lưu ý là các khay cát phải đủ độ ẩm vừa phải để trứng nở đều. Đàn dế khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt thì cứ sau hơn 1 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi ô nuôi sẽ cho 4-5 kg dế thương phẩm. Thời gian tới, tôi sẽ đi khảo sát thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm để mở rộng sản xuất.

Dế là một trong những loại côn trùng có nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng, lạ miệng. Theo ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã, thì hiện nay, cùng với các mô hình nuôi bò nhốt chuồng, lợn đen, vịt suối, mô hình nuôi dế đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Hiện, xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện định hướng phát triển, cũng như xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Thu Thảo (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-nuoi-de-thuong-pham-o-muong-khoa-23977