Mô hình phát triển nào cho khu thương mại tự do Đà Nẵng?
Thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về những phương án phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng (DFTZ) – mô hình đầu tiên được cho phép thí điểm thành lập tại Việt Nam – trước khi gửi đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm nay.
Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt trong phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến.
Phát triển đa chiều
Ý kiến trên được bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ tại Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” diễn ra ngày 14-11.
“Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do”, bà nói và cho biết thêm đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Hạ tầng cũng là một trong bốn yếu tố chính yếu mà bà Minh nhắc đến. Ba yếu tố còn lại bà Minh đưa ra bao gồm khung pháp lý và chính sách ưu đãi linh hoạt, áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong DFTZ và số hóa các quy trình. Bà Minh gợi ý Đà Nẵng có thể tham khảo cách vận hành của Khu thương mại tự do Thượng Hải (Trung Quốc) với các chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu và ưu đãi thuế xuất khẩu, giúp tăng khả năng cạnh tranh và tiết kiệm chi phí hay các khu thương mại tự do tại Đức và Costa Rica trong việc kết hợp sản xuất xanh với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tái chế và tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đề xuất mô hình “Kiềng 3 chân”. Trong đó, chân kiềng đầu tiên là chính là khu thương mại tự do với nhiệm vụ thu hút đầu tư, hình thành
trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn, phát triển cơ sở hạ tầng bên cạnh chính sách và cơ chế ưu đãi.
Cảng và sân bay trung chuyển là chân kiềng thứ hai với năng lực vận hành lượng hàng hóa lớn. Và kết nối luồng hàng với khu vực và toàn cầu thông qua các hành lang kinh tế là yếu tố thứ ba.
Đà Nẵng và Việt Nam đang tham gia Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và thành phố có thể tận dụng thêm sự kết nối với Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEC) nhằm thúc đẩy sự tích hợp chuỗi giá trị và tăng cường kết nối. “Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm dự trữ bông và mắt xích sợi – vải và hình thành tổ hợp công nghệ hàng không – vũ trụ”, ông Minh gợi ý.
Mô hình khu trong khu
“Mô hình phát triển tại Đà Nẵng nên là khu thương mại tự do phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”. Đây là mô hình ông Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án “Thành lập Khu thương mại tự do” của Sở Công thương TP. Đà Nẵng, cho biết tại sự kiện mới đây.
Ông giải thích DFTZ sẽ có bốn khu để phát triển 4 mảng khác nhau, bao gồm logistics, sản xuất, thương mại và dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, DFTZ phát triển vận tải đa
phương thức cùng với dịch vụ phụ trợ và kho bãi chất lượng. Sản xuất sẽ tập trung vào điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không, cơ khí tiên tiến, dược phẩm và Công nghệ sinh học và đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Trong khi đó, Trung tâm du lịch tích hợp với các dịch vụ như bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, MICE bên cạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên (AI, bán dẫn, v.v.)
“Đà Nẵng cần thực hiện cơ chế một cửa, một đầu mối với cơ chế khu trong khu, liên kết chặt chẽ giữa các ngành và khu vực, tạo hiệu ứng cộng hưởng, từ đó giúp thu hút đầu tư từ bên ngoài, lan tỏa phát triển kinh tế vùng và quốc gia”, ông Bình gợi ý và cho biết khi thực hiện thành công mô hình này thì DFTZ sẽ trở thành điểm nhấn trong hành lang vận tải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Ông cũng tính toán khu thương mại tự do này sẽ đóng góp trực tiếp vào GRDP của thành phố từ 1% tăng lên 9,5% vào nằm 2040 và 17,9% vào năm 2050 với số lượng lao động tăng tương ứng từ 21.000 lên 90.000 và 127.000.
Về vấn đề nguồn nhân lực, thạc sĩ Ngô Thị Sa Ly từ Trường Đại học Đông Á, cũng chia sẻ đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp DFTZ đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các doanh nghiệp, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế hiện đại và bền vững của khu vực.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một thách thức về nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp sản xuất công nghệ cao, ngành logistics và vận tải, dịch vụ tài chính và ngân hàng, CNTT, bán dẫn, thương mại, dịch vụ…
“Khu thương mại tự do Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh nhân lực với các thành phố lớn như Hà Nội Và TP.HCM, nơi có nhiều cơ hội việc làm và gói phúc lợi hấp dẫn. Điều này khiến việc giữ chân nhân tài tại Đà Nẵng trở nên khó khăn”, bà Ly nói và cho biết, các doanh nghiệp tại đây cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn về phúc lợi và lộ trình thăng tiến để giữ chân lao động chất lượng cao bên cạnh liên túc đào tạo.
Theo nghị quyết 136/2024/QH15, Đà Nẵng sẽ thí điểm khu thương mại tự do từ năm 2025 trong 5 năm. Khu thương mại tự do Đà Nẵng, với diện tích hơn 1.700 ha tại quận liên chiểu và huyện hòa vang, là khu kinh tế đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và khu vực miền trung.