Mô hình sản xuất lúa hữu cơ và lúa gạo theo hướng bền vững bước đầu có hiệu qua
Phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm giá thành, sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững (SRP)... trên địa bàn huyện Tháp Mười dần được người dân tích cực hưởng ứng, góp phần mang lại lợi nhuận cao hơn so với cùng một diện tích sản xuất theo cách truyền thống.
UBND huyện Tháp Mười đã xây dựng Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, nhằm cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống; đồng thời nâng cao chất lượng gạo từ việc sử dụng giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Bùi Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười, địa phương có thế mạnh là cây lúa, diện tích lúa gieo sạ hàng năm trên 100.000ha. Địa phương tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào trong sản xuất như: mô hình cánh đồng sản xuất lúa lý tưởng, sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng biện pháp giảm giá thành, sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững (SRP)..., góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười phối hợp với UBND, tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, nhất là thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo.
Ông Nguyễn Văn Dõng ngụ Ấp 6A, xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười), cho biết: “Gia đình tôi có 9ha chuyên sản xuất lúa, sử dụng phân vô cơ nhiều năm liên tục, hàng vụ phải tăng cường số lượng phân bón, phun xịt thuốc trừ sâu định kỳ, làm tăng chi phí, lợi nhuận không cao. Thông qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và hướng dẫn chuyên môn từ ngành chức năng huyện, tôi quyết định và mạnh dạn sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế. Gia đình quyết định duy trì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vì có hiệu quả...”.
Qua đối chứng thực tế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ từng bước giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác và quản lý sâu bệnh trên cây lúa. Phương pháp bón vùi, sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân hóa học và sử dụng phân bón theo nhu cầu sinh lý từng giai đoạn của cây lúa, nên ruộng lúa hữu cơ tiết kiệm được khoảng 65kg phân Ure; năng suất đạt 6 tấn; giá bán là 5.750 đồng/kg... Tổng thu gần 38 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất, mô hình sản xuất lúa hữu cơ có lãi gần 14 triệu đồng/ha/vụ. Còn ruộng đối chứng (sản xuất lúa theo cách truyền thống) chỉ có lãi khoảng 12,6 triệu đồng/ha/vụ.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp, năm 2022, huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững (SRP) tại Ấp 1, xã Mỹ Hòa với quy mô 20ha, có 7 hộ nông dân tham gia. Ruộng mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững đạt năng suất 6.200kg, giá bán 5.700 đồng/kg, tổng thu gần 35,4 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/ha/vụ. Còn ruộng sản xuất lúa theo cách truyền thống đạt năng suất 6.300kg, giá bán 5.700 đồng/kg, tổng thu gần 36 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận chỉ 7,8 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, khi áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, nông dân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so sản xuất lúa theo cách truyền thống gần 5,4 triệu đồng/ha/vụ.
Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp góp phần giảm chi phí sản xuất, công sức lao động, cung cấp sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân là tiền đề thuận lợi để huyện Tháp Mười tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.