Mô hình siêu lợi nhuận của Atalanta
Từ một đội bóng chỉ tập trung vào việc trụ hạng, Atalanta đã nổi lên như một thế lực đáng gờm nhờ chính sách chuyển nhượng khôn ngoan cùng biệt tài của HLV Gian Piero Gasperini.
Chuỗi 51 trận bất bại của Leverkusen đã chấm dứt tại trận chung kết Europa League trên sân Aviva ở Dublin.
Dù không nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn, Atalanta của HLV Gian Piero Gasperini đã giành chiến thắng 3-0 đầy thuyết phục để làm nên lịch sử với chiếc cúp châu Âu đầu tiên trong lịch sử 116 năm thành lập.
Chiến công của thầy trò HLV Gian Piero Gasperini càng trở nên đáng nhớ hơn, khi họ vượt qua cả Liverpool và Leverkusen, 2 CLB hàng đầu châu Âu, trong hành trình lên ngôi vô địch.
Đi lên nhờ chuyển nhượng
Kể từ khi nắm quyền vào ngày 14/6/2016, HLV Gian Piero Gasperini đã biến Atalanta từ một đội chỉ tập trung vào việc trụ hạng trở thành một thế lực ở Serie A và châu Âu.
Bên cạnh tài năng của Gasperini, việc ứng dụng dữ liệu và số liệu thống kê đã đưa đội bóng vùng Bergamo lên vị trí hiện tại.
Cụ thể, chính sách mua bán cầu thủ của Atalanta được xây dựng dựa trên cách tiếp cận chiến lược nhằm nâng cao giá trị của đội mà vẫn duy trì lợi nhuận tài chính.
Không phải ngẫu nhiên mà Atalanta cực kỳ thành công trong việc phát triển các tài năng trẻ và sau đó là bán kiếm lời lớn. Một trong những lý do chính nằm ở hệ thống đào tạo trẻ xuất sắc từ chính CLB.
Theo Total Football Analysis, nhiều chuyên gia đánh giá Atalanta sở hữu một trong những hệ thống đào tạo trẻ tốt nhất ở Italy và thậm chí là cả thế giới.
Với cơ cấu tuyển trạch mạnh mẽ cùng sự hiểu biết rõ ràng về phong cách chơi bóng mà HLV Gasperini áp dụng, giám đốc thể thao và các tuyển trạch viên Atalanta rất thành thạo trong việc xác định những cầu thủ phù hợp với hệ thống của họ.
Một điều làm Atalanta nổi bật so với các câu lạc bộ Serie A khác là sẵn sàng sử dụng đội U23 ở các giải hạng dưới của bóng đá Italy.
Điều này cho phép các cầu thủ trẻ có được kinh nghiệm quý báu khi chơi bóng trong môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức tại đội một.
Ngoài ra, Atalanta cũng tìm kiếm những "đóa hoa nở muộn". Những cầu thủ dạng này có thể đã không được chú ý trong sự nghiệp ở các đội bóng khác, nhưng được tuyển trạch viên xác định là sở hữu những phẩm chất cần thiết để phát triển trong hệ thống của Atalanta.
Ví dụ điển hình nhất cho thương vụ kiểu này là Ademola Lookman. Lookman đã trải qua một trong những trận đấu đáng nhớ nhất sự nghiệp.
Cầu thủ người Nigeria làm được điều 51 CLB khác không thể ở mùa giải này, đó là ghi bàn và giúp đội nhà đánh bại được Leverkusen. Thậm chí, anh còn lập cú hat-trick đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, trước khi bùng nổ trong màu áo Atalanta, tiền đạo sinh năm 1997 gặp khó khăn trong việc tìm suất đá chính ở hầu hết CLB bản thân thi đấu.
Trong giai đoạn 2015-2022, Lookman liên tục phải đổi đội bóng, từ Charlton tới Everton, sau RB Leipzig đến Fulham rồi Leicester City. Bước ngoặt xảy đến với cầu thủ người Nigeria vào hè 2022 khi được Atalanta chiêu mộ với giá 15 triệu euro. Kể từ đó, Lookman mới khẳng định được giá trị.
Mô hình siêu lợi nhuận
Thành công trong khâu chuyển nhượng của Atalanta không chỉ thể hiện rõ trên sân cỏ mà còn ở khả năng trên bàn đàm phán. Mua rẻ bán đắt là những gì có thể nói về mô hình của đội bóng này.
Năm 2016, Atalanta chỉ bỏ ra gần 4 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ chạy cánh Dejan Kulusevski. Sau đó, họ bán lại cho Juventus với giá 39 triệu euro hồi đầu năm 2020.
Mới đây nhất, Rasmus Hojlund cũng mang về khoản tiền lớn cho đội bóng vùng Bergamo với mức giá gần 74 triệu euro cho thương vụ chuyển tới MU, gấp 3 lần chỉ sau một năm khi anh được đem về với giá 20 triệu euro.
Chính những thương vụ lãi lớn này đã giúp Atalanta xây dựng một đội hình sánh ngang với các đội hàng đầu Serie A về giá trị thị trường. Hiện tại, đội hình của đoàn quân HLV Gasperini đang đứng trong top 5 giải đấu xét về giá trị thị trường, thể hiện khả năng cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất.
Theo báo cáo của KPMG, Atalanta là một trong số ít các đội ở châu Âu giữ được mức tăng trưởng dương về doanh thu trong năm 2020 bất chấp những tác động tiêu cực về tài chính của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, trong khoảng thời gian 2015-2020, doanh thu của “La Dea” tăng gấp 3 lần, từ 70 triệu USD trong năm 2016 lên 182 triệu USD vào cuối năm 2020.
Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu nhờ vào việc họ thường xuyên góp mặt ở Champions League. Số tiền thu được từ đấu trường danh giá nhất châu Âu chiếm 40% tổng doanh thu của CLB.
Nhìn vào hoạt động chuyển nhượng trong 5 năm qua, Atalanta đã liên tục duy trì sự cân bằng lành mạnh. Đội bóng vùng Bergamo ghi nhận cán cân chuyển nhượng ở mức dương trong 4/5 mùa giải, với khoản lãi từ hoạt động chuyển nhượng lên tới 155 triệu euro.
Thậm chí, không chỉ hiệu quả trên thị trường chuyển nhượng, sự đầu tư của Atalanta đã mang lại kết quả ấn tượng trên sân cỏ.
Theo thống kê, Atalanta đã đạt được 66 điểm mùa này với chi phí tương đối thấp là 3,33 triệu euro mỗi điểm, con số thấp thứ hai trong số 5 câu lạc bộ hàng đầu ở Serie A. Ngoài ra, chi phí mỗi trận thắng chỉ là 11,03 triệu euro, chứng tỏ tính hiệu quả trong chuyển hóa khoản đầu tư thành thắng lợi trên sân cỏ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/mo-hinh-sieu-loi-nhuan-cua-atalanta-post1476844.html