Mô hình sinh kế tiếp sức cho người nghèo TP Hà Tĩnh
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Tĩnh đã trao 15 mô hình sinh kế, giúp các hộ khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế...
Gia đình anh Nguyễn Chính Thành (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng) là hộ nghèo của xã từ 3 năm nay và trước đó cũng là hộ cận nghèo. Vợ chồng lao động tự do thu nhập bấp bênh, nuôi 3 con nhỏ đi học nên cuộc sống hết sức chật vật. Tháng 9/2023, gia đình anh được hỗ trợ mô hình sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 160 con gà giống và thức ăn cho gà. Nhờ chịu khó chăm sóc, đến nay đàn gà sinh trưởng tốt.
Anh Thành vui mừng: “Số tiền từ bán lứa gà này sẽ giúp gia đình có thêm một khoản cho các con đi học và có vốn để tiếp tục sản xuất. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã giúp gia đình tôi cả vật chất lẫn tinh thần để từng bước cải thiện cuộc sống và sớm thoát nghèo”.
Cách nhà anh Thành không xa, gia đình ông Trần Đình Tuyết cũng là hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế. Ông Tuyết chia sẻ: “Gia đình tôi có 8 khẩu, 2 vợ chồng đều đã 80 tuổi, không có thu nhập, con cái không có việc làm ổn định, các cháu thì đang tuổi ăn tuổi học. Chi phí trang trải cuộc sống đã rất khó khăn nên không có nguồn vốn để sản xuất. Được hỗ trợ mô hình sinh kế như được trao “chiếc cần câu" để chúng tôi có điểm tựa phát triển kinh tế”.
Bà Đào Thị Thanh Tuyên – công chức văn hóa – thương binh xã hội Thạch Hưng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện còn 22 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo. Trong năm 2023, có nhiều gia đình đã được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi, tạo nguồn động viên, đồng hành, sẻ chia và giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Địa phương cũng đã hướng dẫn người dân cách chăn nuôi để đảm bảo hiệu quả của mô hình và từng bước thay đổi cách thức, tư duy sản xuất”.
Không chỉ ở xã Thạch Hưng, thời gian qua, các địa phương khác trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Gia đình bà Trần Thị Tân – ông Trương Văn Hồng (thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn) là một trong những hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ sinh kế gà giống và thức ăn chăn nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bà Trần Thị Tân bày tỏ: “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, mong muốn sản xuất kinh tế nhưng không có vốn nên khi được hỗ trợ sinh kế, chúng tôi rất vui mừng. Nhờ chăm sóc tốt, sau hơn 3 tháng, đàn gà đã lớn, có những con đã hơn 2kg. Đối với gia đình tôi, hơn 100 con gà này là tài sản rất lớn. Sau khi bán, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng nguồn tiền này để nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi, cải thiện nguồn thu nhập”.
Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc trao “cần câu” đã tạo nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương đã phân bổ gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 15 mô hình sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo. Được biết, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 377 hộ nghèo (tỷ lệ 1,22%) và 549 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,78%).
Bà Trịnh Thị Lan – Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh cho biết: Trao mô hình sinh kế cũng hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh chăn nuôi, góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân.
Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, các ngành đa dạng hóa mô hình sinh kế để hỗ trợ các hộ hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.