Mô hình Sở GDCK Việt Nam: Cần nhiều góc nhìn phản biện

Hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có phù hợp, ai là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước...? Đây là những nội dung đang có nhiều ý kiến khác nhau, khi góp ý cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).

Có nên là công ty mẹ - con?

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập VNX vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.

Theo dự thảo, VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

Các công ty do VNX nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Chức năng chính của HNX là tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu, còn chức năng chính của HOSE là tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu.

Trong khi nhiều ý kiến đồng thuận với phương án VNX đặt trụ sở chính tại Hà Nội, thì đề xuất VNX hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đang nhận được những ý kiến trái chiều.

Ý kiến đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính cho rằng, mô hình này phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, nhóm ý kiến không đồng thuận cho rằng, VNX được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con là không phù hợp.

Theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, mô hình công ty mẹ - con trong thời kỳ hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Mặt khác, tổ chức VNX theo mô hình này vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là VNX, vừa gây bất cập, chồng chéo với công tác quản lý, giám sát HNX và HOSE do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là VNX.

Vì vậy, cần quy định chỉ có duy nhất VNX, đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Ðiều này phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Ðó là trong trước mắt, xét dài hạn hơn, ý kiến từ chuyên gia pháp lý còn đưa ra đề xuất theo hướng tiến tới cổ phần hóa VNX như mong muốn của các thành viên thị trường, nhất là các công ty chứng khoán để được sở hữu cổ phần của VNX.

Theo TS. Mai Thị Ánh Tuyết, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trên thế giới đang tồn tại 4 mô hình tổ chức của sở giao dịch chứng khoán phổ biến: công ty trách nhiệm hữu hạn được sở hữu bởi các thành viên, công ty cổ phần hữu hạn, công ty cổ phần niêm yết và mô hình công ty nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc một phần. Mỗi mô hình có ưu, nhược điểm nhất định.

Nước ta áp dụng mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước, trong khi trên thực tế mô hình này ở các lĩnh vực khác với bộ máy quản lý, điều hành mang dáng dấp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đã bộc lộ một số hạn chế như thiếu tính độc lập, cứng nhắc, hiệu quả chưa cao...

“Bởi vậy, cần quy định điều kiện, lộ trình và tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước tham gia, để đẩy nhanh tiến độ đa dạng hóa sở hữu của VNX, sớm chuyển một phần vốn nhà nước cho các thành viên khác của thị trường sở hữu, tiến tới đại chúng hóa, gắn với mục tiêu niêm yết. Với mô hình này, Nhà nước sẽ giữ vai trò quản lý thị trường thông qua các cổ đông để kiểm soát thị trường”, bà Tuyết đề xuất.

Ai làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước?

Liên quan đến mô hình tổ chức và hoạt động của VNX, còn một vấn đề “nóng” đang có những ý kiến trái chiều, cũng như có sự mâu thuẫn trong đề xuất chính sách. Ðó là, trong 3 cơ quan: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan nào làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VNX phù hợp hơn?

Tại dự thảo quyết định thành lập VNX, cơ quan soạn thảo đề xuất, Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VNX.

Trong khi đó, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi (theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 10 tới) đề xuất: UBCK thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNX.

Khi thảo luận về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhìn nhận, quy định hiện hành giao quyền đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước cho bộ, cơ quan ngang bộ, Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng dự thảo Luật lại giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho UBCK.

Ðây là vấn đề lớn, đề nghị các cơ quan hữu quan giải trình làm rõ, tăng thêm thẩm quyền nhưng không nên trái với xu thế hiện hành.

Lý giải về vấn đề trên, đại diện UBCK cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các bên liên quan, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được điều chỉnh theo hướng, Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VNX.

Bởi vậy, nội dung đề xuất tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập VNX là không mâu thuẫn với định hướng hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Về vấn đề này, có ý kiến băn khoăn, Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VNX liệu có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong bối cảnh việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang được thúc đẩy theo hướng tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước?

Trong khi Nhà nước đang phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của để tách chức năng này bằng việc chuyển nhiều doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đề xuất, ủy ban này nên là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNX, còn Bộ Tài chính nắm quyền quyết định về nhân sự của Sở.

UBCK là đơn vị quản lý chuyên môn, để đảm bảo tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, phù hợp với định hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Ý kiến từ UBCK cho rằng, VNX hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, không đơn thuần là sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu kiếm lợi nhuận như các loại hình doanh nghiệp nhà nước khác, mà có chức năng vừa cung cấp dịch vụ, vừa duy trì các nguyên tắc để đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển công bằng, minh bạch.

Do đó, Bộ Tài chính đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNX là phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, cũng như yêu cầu từ thực tiễn.

Trong giai đoạn lấy ý kiến về mô hình VNX, cần rất nhiều góc nhìn khách quan, trung lập để làm rõ việc Việt Nam nên có 1 Sở hay 3 Sở, nên trao quyền quản lý vốn nhà nước cho chủ thể nào...

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/mo-hinh-so-gdck-viet-nam-can-nhieu-goc-nhin-phan-bien-280484.html