Mô hình 'thành phố bọt biển' không thể ngăn ngập lụt
Trang tin Bloomberg chỉ ra không ít thành phố tại Trung Quốc áp dụng mô hình 'thành phố bọt biển' vẫn không tránh khỏi cảnh ngập.
Từ đầu năm đến nay lũ lụt đã ảnh hưởng đến ít nhất 30 triệu người ở Trung Quốc, đặc biệt vài ngày qua có ít nhất 20 người thiệt mạng, khiến công tác chuẩn bị ứng phó hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu của giới chức nước này bị nghi ngờ.
Trung Quốc vài năm gần đây đầu tư hàng tỉ USD triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó mưa lớn bất thường, sau khi thủ đô Bắc Kinh hứng chịu trận lũ lịch sử cướp đi 79 sinh mạng năm 2012. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng các thành phố “như bọt biển”.
Ý tưởng rất đơn giản: sử dụng vườn trên nhà cao tầng, vỉa hè thấm được nước, bể chứa ngầm cùng bất cứ không gian chứa nước nào khác hấp thụ lượng mưa lớn rồi từ từ giải phóng ra sông hoặc hồ chứa.
Hàng chục thành phố từ nam ra bắc cam kết triển khai mô hình này. Nhưng lượng lớn người thiệt mạng do bão lũ từ cuối tuần trước cho đến nay làm dấy lên câu hỏi liệu “thành phố bọt biển” có đủ sức ứng phó những trận mưa ngày càng lớn hay không.
Sân bay Đại Hưng nằm ở ngoại ô Bắc Kinh có hồ phối cảnh, bể chứa cùng hệ thống thoát nước đủ sức hấp thụ lượng mưa tương đương khoảng 1.300 bể bơi chuẩn Olympics - được xem là “sân bay bọt biển” đầu tiên của Trung Quốc, thế nhưng một phần đường băng vẫn bị ngập khi mưa lớn.
Thành phố Hình Đài (tỉnh Hà Bắc) lân cận cũng chịu lụt khi mưa lớn, mặc dù địa phương này nằm trong chương trình triển khai mô hình “thành phố bọt biển” quốc gia từ năm 2016. Lượng mưa trong 2 năm (100cm) trút xuống trong 2 ngày, kết quả 5 người thiệt mạng vào ngày 1.8, và 4 người đang mất tích.
Vào cuối thập niên trước, thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam đầu tư 53,4 tỉ nhân dân tệ nâng cấp hạ tầng trở thành “thành phố bọt biển”. Vậy mà một trận lụt năm 2021 khiến 380 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất nặng nề.
Ở vài nơi khác, hạ tầng hấp thụ mưa chỉ chiếm diện tích nhỏ. Một số địa phương là điểm xả lũ nên không tránh khỏi cảnh ngập.
Tiến sĩ Xu Hongzhang (Đại học quốc gia Úc) chỉ ra vấn đề của mô hình “thành phố bọt biển” là Trung Quốc không tính đến thời tiết cực đoan.
Nhà nghiên cứu Li Zhao (tổ chức Greenpeace) cho biết hình thái thời tiết cực đoan vượt quá những gì hạ tầng “bọt biển” được thiết kế để ứng phó. Thiết kế vốn dựa trên lượng mưa 30 năm trước năm 2014.
Giám đốc Viện Công cộng và môi trường Trung Quốc Ma Jun khẳng định mô hình “thành phố bọt biển” rất hữu ích nên cần được áp dụng rộng rãi, mặc dù chỉ mình biện pháp này không đủ ứng phó hình thái thời tiết cực đoan.
Theo ông Ma Jun, phát triển đô thị trong tương lai nên tính đến cách thức đối phó mưa lớn, rút kinh nghiệm từ vài lần ngập lụt gần đây.
Hạ tầng xanh như công viên hay vườn trên nhà cao tầng vẫn có tác dụng nhất định. Tại thành phố Trì Châu thuộc tỉnh An Huy, hệ thống “bọt biển” giúp 800.000 cư dân tránh được nguy cơ lũ quét vào năm 2016, mặc dù năm đó lượng mưa nhiều hơn mức thông thường ít nhất 30%.
Để nâng cao hiệu quả của “thành phố bọt biển”, tiến sĩ Xu đề xuất khôi phục các tuyến thoát nước xây dựng từ thời nhà Thanh, đồng thời cải thiện hệ thống cảnh báo.