Mô hình thông minh giúp học sinh 'mê' môn lịch sử
Mô hình được tích hợp điều khiển thông minh qua điện thoại, cảm biến, vi điều khiển. Các tín hiệu đèn chiếu sáng, âm thanh mô tả sự kiện lịch sử được điều khiển tự động qua bộ xử lý trung tâm.
Nghiên cứu trên do nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A và tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom, Đồng Nai) thực hiện, đã đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2022.
Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Thanh Phương, môn Công nghệ Trường THPT Thống Nhất A, người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị dạy học này được xây dựng theo mô hình mô phỏng giả lập, không gian các công trình kiến trúc một số địa danh lịch sử trên địa bàn Đồng Nai kết hợp với hệ thống điều khiển thông minh qua các tín hiệu ánh sáng đèn, âm thanh mô tả sự kiện lịch sử gắn với công trình đó.
Bề mặt mô hình được thiết kế mô phỏng toàn bộ không gian và công trình kiến trúc của 15 di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh như: Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lao Tân Hiệp, mộ cự thạch Hàng Gòn, chiến khu Đ… Để tăng tính trực quan sinh động, trên bề mặt mô hình được trang trí nhiều cây xanh tạo không gian, hệ thống đèn chiếu sáng và các tín hiệu, trạng thái âm thanh sinh động.
Mô hình được tích hợp điều khiển thông minh qua điện thoại, cảm biến, vi điều khiển. Các tín hiệu đèn chiếu sáng, âm thanh, hiệu ứng trên mô hình được điều khiển tự động qua bộ xử lý trung tâm. Trên mô hình được xây dựng để người dùng truy xuất thông tin về lịch sử một cách trực tiếp qua nguồn dữ liệu bằng việc quét mã QR liên kết đến trang web riêng.
Theo em Nguyễn Thị Diễm Hằng (lớp 10A7, thành viên của nhóm), tương ứng với 15 công trình di tích trên mô hình là 15 cột đèn chiếu sáng và 15 file dữ liệu mô tả bằng âm thanh. Khi người dạy, người học muốn tìm hiểu về địa danh nào trên mô hình thì chỉ việc tác động vào phần không gian của địa danh đó. Ngay lập tức, đèn chỗ địa danh đó sẽ sáng lên, đồng thời sẽ phát ra âm thanh giới thiệu về địa danh đó. Tính năng này có vai trò như trợ giảng cho người dạy, kích thích sự tò mò và gây hứng thú cho người học.
Ngoài ra, giải pháp này còn hướng đến việc tạo dựng một kho dữ liệu về lịch sử địa phương dưới dạng các file mềm điện tử. Các file thông tin này được gán vào một đường link cụ thể theo từng địa danh và một file tổng hợp. Sau đó, các file được thiết lập thành dạng các mã QR để dán lên mô hình theo từng địa danh cụ thể. Nếu không muốn nghe file âm thanh mô tả, học sinh, giáo viên có thể dùng điện thoại có phần mềm quét mã QR dán trên mô hình, giúp học sinh và giáo viên chủ động tra cứu, tìm hiểu thông tin về lịch sử một cách nhanh chóng, thay thế tài liệu giấy, sách báo.
Mô hình này đã được đưa vào thực hành giảng dạy trong năm học (2021-2022) tại trường THPT Thống Nhất A đem lại hiệu quả cao, học sinh thực sự hào hứng với môn học Lịch sử hơn. Mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn cả nước.
Mời độc giả xem thêm video Hà Nội vỡ òa cảm xúc ngày 30-4 lịch sử: