Mô hình thưởng, phạt giúp ngôi làng Trung Quốc phát triển du lịch bền vững
Được chọn trong danh sách '33 ngôi làng hấp dẫn nhất', Động trại Triệu Hưng của tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc đã tập trung phát triển du lịch thông qua bảo vệ môi trường và giữ chân người trẻ để gìn giữ văn hóa truyền thống.
Làng dân tộc Động Triệu Hưng nằm ở huyện Lê Bình, tỉnh Quý Châu, có lịch sử hơn 1.000 năm. Với dân số hơn 5.200 người, đây là làng người Động lớn nhất Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là “Động hương đệ nhất trại” (Ngôi làng số 1 của vùng quê người Động). Năm 2007, Động trại Triệu Hưng được tạp chí Fashion Travel và Tạp chí Địa lý Quốc gia Trung Quốc đưa vào danh sách “33 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất”.
Những năm gần đây, ngôi làng này đã phát triển mạnh mẽ du lịch nông thôn, đón hơn 1 triệu lượt khách trong năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh việc cải thiện đời sống người dân, phát triển du lịch cũng khiến ngôi làng đứng trước các thách thức về bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Chương trình biểu diễn (có thu phí) do thanh niên Làng dân tộc Động Triệu Hưng thực hiện.
Ông Khương Đình Huy (Jiang Tinghui), Chủ nhiệm Văn phòng phát triển du lịch huyện Lê Bình cho biết mặc dù người dân tộc Động có triết lý sống “kính sợ thiên nhiên và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên”, từ nhỏ đã hình thành thói quen bảo vệ sinh thái, nhưng chính quyền địa phương vẫn áp dụng biện pháp thưởng phạt.
“Chúng tôi khen thưởng những người làm tốt công tác bảo vệ sinh thái thông qua mô hình tự quản của làng. Ví dụ, nếu một gia đình làm tốt, chúng tôi có thể thưởng cho họ một khoản cổ tức khi tập thể chia lợi nhuận, hoặc biểu dương họ tại các điểm tuyên truyền công cộng trong cộng đồng. Nếu họ có hành vi gây tổn hại đến sinh thái, chúng tôi có thể phạt, chẳng hạn yêu cầu họ nộp vài chục cân rượu, gạo hay thịt, như một lời nhắc nhở. Nói cách khác, nếu bạn không làm tốt, chúng tôi sẽ có biện pháp trừng phạt; nếu bạn làm tốt, chúng tôi sẽ biểu dương”, ông Khương Đình Huy cho biết.

Những người phụ nữ dân tộc địa phương thêu các sản phẩm cho hợp tác xã
Cũng theo quan chức này, để gìn giữ văn hóa địa phương, việc giữ chân người trẻ ở lại làng thay vì ra phố tìm việc là cách mà Động trại Triệu Hưng đang làm: “Hiện chúng tôi đang tăng cường bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, bồi dưỡng và khuyến khích một số lượng lớn người cao tuổi biểu diễn và truyền dạy cho các thế hệ sau, đưa họ vào danh sách những nghệ nhân kế thừa di sản văn hóa phi vật thể cấp huyện, châu, tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức một số buổi biểu diễn và trả thù lao cho các thanh niên tham gia biểu diễn. Khi nhận thấy việc kế thừa văn hóa và di sản cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế, họ ngày càng hứng thú hơn”.

Sản phẩm văn hóa sáng tạo dựa trên đồ trang sức truyền thống của người dân tộc địa phương
Cùng với biểu diễn, việc tham gia làm và quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống cũng giúp người dân tộc Động gắn bó hơn với ngôi làng. Thành lập từ năm 2014, Hợp tác xã Nghề thủ công truyền thống Động Phẩm Nguyên (Dongpinyuan) huyện Lê Bình hiện đã phát triển lên 228 người, từ chỉ 7 người ban đầu.
Năm 2024, doanh thu từ các hoạt động học tập, trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể của hợp tác xã đạt hơn 18 triệu nhân dân tệ (khoảng 65 tỷ đồng Việt Nam), tạo việc làm cho hơn 2.000 thợ thêu, thợ dệt và thợ nhuộm địa phương.

Bà Lục Dũng Muội (đầu tiên bên phải) giới thiệu sản phẩm truyền thống địa phương cho du khách. Động trại Triệu Hưng khuyến khích phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo dựa trên ngành nghề thủ công truyền thống
Bà Lục Dũng Muội (Lu Yongmei), Tổng giám đốc Hợp tác xã, nghệ nhân nhuộm chàm cấp tỉnh – một di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, cho biết nhiều người trẻ tham gia vào việc điều hành công việc kinh doanh, quảng bá quê hương trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi các phụ nữ trung niên tham gia sản xuất các sản phẩm truyền thống, thu nhập từ vài chục đến vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày.
“Ví dụ, nhân viên dọn vệ sinh nếu tranh thủ làm cũng kiếm được hơn 10 nhân dân tệ mỗi ngày, có khi 20 tệ, tùy vào tốc độ. Mỗi tháng họ cũng kiếm thêm được 300-600 tệ (hơn 1 triệu đến hơn 2 triệu đồng Việt Nam). Đối với những người chuyên làm việc này, một số người nhanh nhẹn có thể kiếm được hơn 200 tệ mỗi ngày, tức 6.000-7.000 tệ một tháng”, bà Lục Dũng Muội cho biết.
Du lịch đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê, nhất là các vùng dân tộc thiểu số nằm sâu trong núi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện về bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa truyền thống, giảm bớt các yếu tố thương mại hóa vẫn luôn là vấn đề nan giải và cần rất nhiều nỗ lực của cộng đồng và chính quyền địa phương.