Nghệ An: Người dân ép lạc, vừng, đậu tương lấy dầu ăn

Trước những lo ngại về tình trạng dầu ăn giả, dầu công nghiệp kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhiều gia đình ở Nghệ An tự mua lạc, vừng, đậu tương rồi mang đến các cơ sở uy tín để ép dầu sử dụng.

Cơ sở ép dầu của gia đình anh Hoàng Văn Quân. Ảnh: Đ.B.

Cơ sở ép dầu của gia đình anh Hoàng Văn Quân. Ảnh: Đ.B.

Cơ sở ép dầu quá tải

Xóm Trường An, xã Đông Lộc những ngày này không còn yên ả như thường lệ. Trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập, tiếng máy ép dầu gầm lên không ngớt từ sáng sớm đến khuya muộn. Anh Hoàng Văn Quân, chủ một cơ sở ép dầu tại đây, vừa cẩn thận đổ mẻ nguyên liệu mới vào máy vừa nói: “Bình thường chỉ ép mấy chục kg cho người dân quanh vùng. Giờ mỗi ngày tôi ép 1 đến 1,5 tấn lạc, đậu tương, vừng. Nhu cầu tăng đột biến từ khi thông tin về dầu ăn bẩn xuất hiện trên mạng và báo chí”.

Không chỉ người dân địa phương mà cả nhiều người ở thành thị cũng khăn gói về quê, tranh thủ mùa lạc chín để ép dầu sạch mang về dùng. “Có người chở cả tạ lạc đi ép. Một số đặt làm luôn cả trăm lít dầu để gửi cho người thân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM”- anh Quân nói thêm. Theo quy trình, lạc phải được phơi, sấy thật khô, sau đó bóc vỏ, chọn bỏ những hạt lép, mốc. Lạc sạch mới được đưa vào máy ép, thường phải ép đến 2-3 lần mới “vắt” hết dầu. 10kg lạc nhân cho ra khoảng 5 lít dầu. Giá dầu lạc hiện nay dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/lít, đắt gấp 2–3 lần dầu ăn công nghiệp (chỉ khoảng 150.000-200.000 đồng/can 5 lít), nhưng vẫn rất đắt khách.

Cũng tại xã Đông Lộc, anh Nguyễn Hữu Dương (39 tuổi) cho biết: Gần 1 tháng nay, anh phải huy động thêm nhân lực để ép dầu phục vụ nhu cầu của người dân. “Tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu ép dầu lại bùng nổ như thời điểm hiện này. Trước chỉ hai vợ chồng làm, giờ phải thuê thêm 3 người mới theo kịp”- anh Dương nói. Cũng theo anh Dương, trước kia mọi công đoạn đều làm thủ công, từ sấy lạc bằng than củi, ép bằng máy vặn tay. Giờ thì đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy bóc vỏ, máy ép thủy lực, lọc nén khí để nâng công suất và đảm bảo chất lượng. Dầu ép xong được lọc sạch bã, đóng vào chai thủy tinh, bảo quản mát có thể dùng đến 6 tháng.

Hiện nay, phong trào dùng dầu ăn tự ép từ lạc, vừng, đậu tương lan rộng nên hầu hết các địa phương trong tỉnh Nghệ An đều có các cơ sở ép dầu từ thủ công hoặc ép bằng máy. Với máy ép, mỗi cơ sở thường phải đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng cho các loại máy xay vỏ, sấy, ép và lọc dầu.

Người tiêu dùng thông thái

Trước vấn nạn dầu ăn giả, người tiêu dùng dường như đã không còn mặn mà với các loại dầu thực vật đóng can rẻ tiền. Bà Trần Thị Phong, người nội trợ ở xã Đông Lộc, chia sẻ: “Dùng dầu lạc quen rồi, giờ đổi sang dầu mua ở chợ thì rất khó ăn. Mình tự trồng được lạc thì càng yên tâm”.

Cũng từ sự thận trọng ấy, nhiều người bắt đầu quay lại sử dụng mỡ lợn trong chế biến món ăn. Bà Trịnh Thị Hòa, ở xã Đại Đồng cho biết: “Ngày xưa mỡ lợn là thứ quen thuộc, rồi sau chuyển sang dùng dầu ăn tinh luyện. Giờ lo sợ hóa chất, tôi quay lại dùng mỡ lợn, nấu canh hay chiên trứng đều ngon và thơm hơn hẳn”. Xu hướng này khiến giá mỡ lợn tại các chợ dân sinh tăng vọt lên mức 80.000-100.000 đồng/kg. Ngoài ra, theo chị Kim Dung, một hộ kinh doanh chuyên chế biến mỡ tại phường Vinh Phú, trước kia mỡ chủ yếu bán cho các bà mẹ có con nhỏ, giờ người tiêu dùng phổ thông cũng tìm mua ngày càng nhiều.

Việc người tiêu dùng quay lại với các sản phẩm truyền thống như dầu lạc, dầu vừng hay mỡ lợn không chỉ là phản ứng tức thời trước lo ngại thực phẩm bẩn. Đó còn là tín hiệu tích cực cho xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc địa phương, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản vùng miền. Bởi, nhiều sản phẩm dầu lạc, dầu vừng ở Nghệ An hiện đã được chứng nhận OCOP, mở ra hướng đi bền vững nếu được đầu tư đúng mức. Việc hỗ trợ bà con nông dân phát triển chuỗi giá trị từ trồng nguyên liệu, chế biến đến phân phối sẽ giúp ngành nông nghiệp tỉnh này tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khắt khe với thực phẩm an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Nghệ An khuyến nghị: Người dân nên lựa chọn cơ sở ép dầu có uy tín, kiểm tra vệ sinh máy móc, lọc dầu kỹ, đóng gói đúng cách và bảo quản dầu ở nơi mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Đặc biệt, nên chọn nguyên liệu sạch, tránh các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mốc, bẩn.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-an-nguoi-dan-ep-lac-vung-dau-tuong-lay-dau-an-10310493.html