Mô hình trồng ớt xuất khẩu cho thu nhập cao tại huyện Triệu Sơn
Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Triệu Sơn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt xuất khẩu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Diện tích ớt vụ đông tại xã Thọ Vực chuẩn bị cho thu hoạch.
Là xã đi đầu trong phong trào trồng ớt xuất khẩu, vụ đông năm nay nông dân xã Khuyến Nông đã gieo trồng được 20 ha ớt xuất khẩu. Hiện cây ớt đang sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ tịch hội nông dân xã cho biết: Trước đây, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động tới từng xóm, từng hộ để nhân dân hưởng ứng phong trào trồng cây màu vụ đông, nhất là cây ớt xuất khẩu. Giờ đây, người dân đã coi trồng cây vụ đông là một vụ chính trong năm, nhất là ớt xuất khẩu nên năm nào Khuyến Nông cũng là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng cây vụ đông lớn.
Những ngày này, gia đình ông Phạm Đình Kiền, thôn 2, xã Khuyến Nông đang chuẩn bị thu hoạch những lứa ớt đầu tiên. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn ớt, ông Kiền cho biết: Đầu năm 2017, gia đình bắt đầu trồng thử mô hình ớt xuất khẩu với diện tích 1 ha, đến nay đã mở rộng diện tích lên 3 ha. Theo kinh nghiệm và phương pháp trồng ớt của gia đình ông Kiền, ngoài việc chọn thổ nhưỡng phù hợp đất pha cát, địa điểm trồng phải đảm bảo thoát nước tốt, kín gió nhằm tránh mưa bão. Ngoài ra, địa điểm trồng ớt phải thường xuyên thay đổi bởi nếu trồng 2 vụ liên tiếp trên cùng diện tích thì năng suất ớt sẽ giảm. Vì vậy, gia đình ông thường xen canh trồng 1 vụ lúa và 1 vụ ớt. Trước khi trồng ớt, đất phải được cày xới tơi xốp, phơi 10-15 ngày và làm cỏ sạch, bón lót phân. Sau đó, tiến hành lên luống cao khoảng 35cm, mỗi luống rộng 65cm. Ớt gieo từ 35-40 ngày (khoảng 7-8 lá) thì đem cây con ra trồng. Khoảng cách trồng giữa các cây từ 30-40cm. Thời gian ớt cho thu hoạch hơn 4 tháng. Ông Kiền cho biết thêm: Trong quá trình trồng ớt, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới và phòng bệnh cho cây ớt. Ớt trồng được 40 ngày tuổi sẽ đâm nụ, hoa. Thời điểm này rất quan trọng quyết định đến độ sai của cây ớt nên phải tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây. Người trồng cũng cần chú ý sau khi ớt đậu quả sai đạt từ 120-150 quả/cây, những hoa, nụ ra tiếp đó phải hái bỏ đi để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả ớt đã đậu quả để quả to và chín nhanh.
Vụ đông 2019-2020, UBND huyện Triệu Sơn đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, xây dựng phương án, kế hoạch chỉ đạo 8 xã gồm: Đồng Thắng, Khuyến Nông, Tiến Nông, Vân Sơn, Nông Trường, An Nông, Thọ Vực, Thọ Phú tham gia trồng ớt xuất khẩu với tổng diện tích 100 ha. Xác định cây ớt xuất khẩu là loại cây hàng hóa, để cây ớt phát triển tốt, người dân cần đảm bảo tưới nước đầy đủ, thoát nước tốt; tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Khi chăm sóc, cần tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng; tỉa cành lúc nắng ráo; ngắt bỏ hoa và quả non ở điểm giao phân cành đầu tiên. Làm giàn ớt bằng cây hay dây ni lông. Giàn giúp cây đứng vững, dễ thu hái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế quả bị sâu bệnh do đổ ngã, do đó việc chọn đúng giống là khâu rất quan trọng làm nên chất lượng quả ớt. Hiểu rõ được điều này nên chính quyền địa phương và người dân các xã đã chú trọng khâu chọn giống tốt, sinh trưởng, phát triển mạnh, chống chịu sâu bệnh cao và chất lượng quả đẹp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường ớt xuất khẩu. Với mục tiêu đó, huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty thu mua ớt xuất khẩu mở các lớp tập huấn kỹ thuật về cách chọn giống và phương pháp gieo trồng, quản lý dịch hại kịp thời để đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Ngoài ra, để bảo đảm chỉ tiêu gieo trồng ớt xuất khẩu trong vụ đông năm nay, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất phối hợp với các xã chủ động rà soát toàn bộ diện tích trồng cây vụ đông của nông dân và xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi. Đấu mối với Công ty TNHH Tình Cầm (huyện Yên Định) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt cho bà con nông dân. Chỉ đạo cho các xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia trồng cây ớt xuất khẩu. Do vậy, đến nay toàn huyện đã gieo trồng được 78 ha ớt xuất khẩu trên tổng diện tích kế hoạch là 100 ha. Một số xã thực hiện tốt như: Khuyến Nông, Thọ Vực, Thọ Phú, Tiến Nông... Theo dự kiến, nếu thuận lợi giá trị thu nhập bình quân từ cây ớt xuất khẩu là 70 triệu đồng/1 ha, trong trường hợp trồng và chăm sóc đảm bảo theo quy trình kỹ thuật giá trị thu nhập có thể đạt 100 triệu đồng/ha, năng suất bình quân của cây ớt đạt từ 8 tạ đến 10 tạ/sào, so với trồng lúa và các loại cây màu khác giá trị thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Trước triển vọng từ cây ớt xuất khẩu, huyện tiếp tục chỉ đạo cho xã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng ớt trên địa bàn, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân. Đến nay toàn bộ diện tích gieo trồng ớt đang được bà con nông dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, giúp cây ớt sinh trưởng và phát triển tốt.