Mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp

Tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động rất lớn đến đời sống người dân cũng như trong sản xuất; đặc biệt, từ tháng 02 đến tháng 5, 6 hàng năm tại các vùng ven biển, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn do hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng... Thông qua Dự án 'Chương trình nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long' được Trường Đại học Trà Vinh triển khai tại xã Hàm Giang (huyện Trà Cú) và xã cù lao Hòa Minh (huyện Châu Thành).

Anh Nguyễn Văn Diễn (bên phải) phấn khởi với hệ thống bồn chứa xử lý nguồn nước của Dự án hỗ trợ, thay thế cho các lu nhựa nhỏ trữ nước mưa không hợp vệ sinh.

Anh Nguyễn Văn Diễn (bên phải) phấn khởi với hệ thống bồn chứa xử lý nguồn nước của Dự án hỗ trợ, thay thế cho các lu nhựa nhỏ trữ nước mưa không hợp vệ sinh.

Nói về những khó khăn trong sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt gia đình, anh Nguyễn Văn Diễn, ấp Long Hưng 2, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành cho biết: gia đình xa trung tâm ấp hơn 05km và tiếp giáp với sông Cổ Chiên; toàn bộ khu vực xung quanh ở đây không thể đóng giếng khoan do nguồn nước ngầm nhiễm mặn từ 02 - 03‰; còn nguồn nước máy từ Trạm cấp nước tập trung ở trung tâm xã Hòa Minh vào tới đây không thể sử dụng được. Vào mùa mưa, sử dụng 05 lu nhựa (thể tích 160 lít/lu) để trữ nước mưa dùng cho nấu ăn và uống; nhưng chỉ sử dụng được 40 - 50 ngày là hết.

Trước khó khăn trên, gia đình anh Diễn phải đi xin nguồn nước từ các hộ trong ấp (cách nhà hơn 01km) và vận chuyển về sử dụng. Riêng nguồn nước dùng cho nấu ăn, uống hàng ngày, anh Diễn phải mua nước thùng, mỗi tháng sử dụng 40 - 45 thùng nước (loại 21 lít/thùng, giá 10.000 đồng/thùng).

Thông qua Dự án “Chương trình nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, Trường Đại học Trà Vinh vừa triển khai hỗ trợ cho 12 hộ ở ấp Long Hưng 2; gồm 07 bồn nước 3.000 lít/07 hộ và 05 bồn nước 5.000 lít/05 hộ; ngoài bồn chứa nước, còn lắp đặt hệ thống lọc 03 tầng và đèn UV để xử lý diêt khuẩn nguồn nước, trước khi đưa vào sử dụng. Dự án trên giải quyết việc sử dụng nguồn nước mưa an toàn, hiệu quả trong thời điểm khô hạn, mặn xâm nhập vào nội đồng; trung bình với 01 hệ thống bồn chứa 3.000 lít/01 gia đình (06 nhân khẩu) sử dụng trong thời gian từ 03 - 04 tháng.

Anh Phan Văn Cuộc, cùng ấp với gia đình anh Diễn, là những hộ được Dự án “Chương trình nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” hỗ trợ, chia sẻ: trước đây, gia đình phải trữ nước mưa bằng những lu xi-măng và thường có nhiều ấu trùng; lượng nước trữ không nhiều và việc sử dụng cũng không được vệ sinh.

Với thiết bị chứa (5.000 lít) và khi nguồn nước mưa vào thùng chứa sẽ được dẫn qua 01 thùng lọc các tạp chất, đầu ra nguồn nước cuối trước khi sử dụng còn được diệt khuẩn bằng tia cực tím UV. Thiết bị này khá phù hợp và có ích cho người dân vùng nông thôn, nguồn nước nhiễm mặn, xa trạm cấp nước tập trung…

Ngoài hỗ trợ người dân xử lý và trữ nước phục vụ trong sinh hoạt qua Dự án, Trường Đại học Trà Vinh còn cung cấp và lắp đặt 10 hệ thống trữ nước cho nông dân trồng màu mùa khô ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú bằng cách tái sử dụng “bạt” nhựa, ống dẫn nhựa và ôxy còn sót lại trong các hồ nuôi tôm tại địa phương, bằng cách tái sử dụng lại để phục vụ cho hệ thống dẫn tưới nước.

Nước ngọt sẽ được trữ trong túi bạt nhựa (khoảng 50 - 60m3/túi) và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho sản xuất rau màu từ nguồn nước chứa trong các túi bạt nhựa, đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng 1.000m2/vụ màu. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm 70% lượng nước tưới và công suất tưới so với phương pháp tưới truyền thống, giúp giảm áp lực về nước cho nông nghiệp…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/mo-hinh-tru-nuoc-sinh-hoat-va-nong-nghiep-39935.html