Mô hình tưới nhỏ giọt ở Bắc Sơn: Góp phần nâng cao năng suất, giá trị kinh tế cây ăn quảTin khácSáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phongGia đình nhiều thế hệ: Lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Sơn đã hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho nhiều hộ trồng cây ăn quả. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Những năm gần đây, cùng với cây quýt, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã tập trung đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả khác như: bưởi, cam… Tuy nhiên, ở một số nơi, người dân lại gặp khó khăn về nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây ăn quả.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Xác định những khó khăn do thiếu nước tưới ở một số xã, để giảm bớt công lao động cho người dân và từng bước nâng cao giá trị cây ăn quả, 4 năm trở lại đây, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước. Ngay khi triển khai, mô hình tưới nhỏ giọt đã phát huy hiệu quả.
Mô hình tưới nhỏ giọt của gia đình ông Vi Văn Thích, thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý
Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Sơn đã hỗ trợ 20 hộ dân trên địa bàn xã Chiến Thắng xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây quýt (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng, người dân đối ứng gần 1 tỷ đồng). Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng (hợp tác xã có 17 hộ được hỗ trợ) cho biết: Trước đây, nguồn nước khan hiếm, các thành viên trong hợp tác xã rất vất vả để tìm cách đưa nước về tưới cho quýt nhưng vẫn không đủ. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã được đầu tư hệ thống ống dẫn nước, bồn, bể chứa nước, hệ thống vòi phun, tưới… Từ đó, lượng nước tưới cho cây quýt đầy đủ, ổn định hơn, góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ khi triển khai mô hình đến nay, năng suất quýt hằng năm tăng hơn 10%.
Không chỉ riêng tại xã Chiến Thắng, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, một số hộ dân ở xã Đồng Ý đã được hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả. Ông Vi Văn Thích, thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý cho biết: Cách đây 7 năm, gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 500 cây bưởi. Tuy nhiên, khó khăn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng là không có nguồn nước tưới. Gia đình phải đào ao, bơm nước mất rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Đến năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình đầu tư thêm 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Thay vì phải dùng máy bơm rồi kéo vòi tưới thủ công như trước kia, giờ đây, tôi chỉ cần mở van nước là từng gốc cây được tưới đầy đủ. Nhờ đó, gia đình tôi bớt được nhiều công lao động và chi phí cho việc tưới cây, cây bưởi phát triển ổn định, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/vụ.
Cùng với 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã được hỗ trợ để đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Cụ thể từ năm 2017 đến nay, huyện Bắc Sơn đã hỗ trợ mô hình tưới nhỏ giọt cho 75 hộ trồng cây ăn quả với diện tích 115 ha (trong đó chủ yếu là quýt, bưởi, cam đường Canh, cam Vinh) trên địa bàn 9 xã. Đến nay, các mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả trên địa bàn huyện Bắc Sơn vẫn được duy trì và phát huy hiệu quả rõ nét. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tổng nguồn thu từ cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng từ 10 đến 15% so với thời điểm trước khi triển khai.
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Sơn có khoảng 1.200 ha cây ăn quả. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm nước, hiện nay, nhiều hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình. Hy vọng rằng, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực, quyết tâm của người dân, thời gian tới, mô hình tưới tiết kiệm nước sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc nâng cao giá trị cây ăn quả, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế do tiết kiệm nước tưới đã được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp tưới này cung cấp kịp thời, thường xuyên lượng nước và các khoáng chất giúp cây trồng phát triển tốt.