Mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tỏi đen ở Thiệu Hóa
Tỏi là loại gia vị được dùng phổ biến trong các bữa ăn hằng ngày, ngoài tác dụng làm tăng mùi vị cho món ăn, tỏi còn được xem là một loại dược liệu quý đối với sức khỏe con người. Từ nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe, chị Hoàng Thị Loan, thị trấn Thiệu Hóa đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình sản xuất tỏi đen, cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng cao.
Máy sản xuất tỏi đen trong mô hình sản xuất tỏi đen của chị Hoàng Thị Loan, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).
Tham quan khu sản xuất, cùng các loại máy móc hiện đại, chị Loan say sưa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên với sản phẩm tỏi đen. Chị Loan cho biết: Năm 2016, qua lời giới thiệu của người thân về tác dụng của tỏi đen trong việc nâng cao sức khỏe, tôi đã tìm mua cho mẹ dùng; sau thời gian sử dụng, mẹ tôi đã ổn định được đường huyết, giảm mỡ máu, các chỉ số về sức khỏe ổn định. Từ thực tế đó, tôi đã tìm hiểu thêm về công dụng, cách làm tỏi đen và được biết tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta dùng tỏi đen rất phổ biến như một vị thuốc và thực phẩm chức năng với giá thành cao. Từ đó, tôi đã tìm hiểu về quy trình lên men tỏi trong nồi cơm điện ủ bằng bia từ 12 đến 15 ngày, hoặc máy làm tỏi công suất nhỏ để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương”. Tuy nhiên, nói thì đơn giản, nhưng khi làm thì chị Loan đã gặp không ít khó khăn. Bởi trong quá trình sản xuất phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, nếu không tỏi tươi sẽ không thành tỏi đen; không ít lần sản phẩm chất lượng kém, không tiêu thụ được”. Khó khăn không nản, chị Loan đã tìm đến các cơ sở sản xuất tỏi đen quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2019, tại một cơ sở dược liệu ở Hà Nội, chị Loan đã được mục sở thị quy trình sản xuất tỏi đen bằng các loại máy công suất lớn, có thể ủ từ 100 đến 300 kg/1 lần ủ theo công nghệ Nhật Bản. Sau khi trở về, chị đã quyết tâm đầu tư 4 máy lên men và sấy dẻo với số vốn hơn 1 tỷ đồng và xây dựng chiến lược kinh doanh sản phẩm tỏi đen. Cầm trên tay nhánh tỏi vừa được sấy, chị Loan hăng say giới thiệu cho chúng tôi nghe về quy trình sản xuất: Nguyên liệu là loại tỏi một nhánh, được nhập ở tỉnh Sơn La, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sau đó được phân loại, chọn lọc những củ tỏi có kích thước đồng đều, không bị dập, rửa sạch, phơi khô sau đó được xếp vào các khay bọc kín. Toàn bộ số tỏi được sấy khô và đưa vào máy lên men. Thời gian ủ từ 30 đến 35 ngày với nhiệt độ 65 độ C và phải thường xuyên lấy mẫu tỏi để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Kết thúc thời gian lên men, tỏi sẽ được đưa vào máy sấy dẻo từ 12 đến 15 ngày tùy thuộc vào kích thước và chất lượng tỏi với nhiệt độ 65 đến 68 độ C. Những nhánh tỏi tươi từ màu trắng sẽ chuyển sang màu nâu và cuối cùng là màu đen do phản ứng hóa học của đường và các axit amin theo nhiệt độ, độ ẩm hiệu chỉnh. Trong quá trình lên men, thành phần và hương vị của tỏi cũng thay đổi. Cách làm tỏi đen công nghiệp là sản phẩm tự nhiên và rất tốt cho sức khỏe, không có phụ gia hay chất bảo quản. Vì thế, tỏi đen không những là thực phẩm quý bởi thành phần, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn chứa nhiều hoạt chất có công dụng phòng, chữa bệnh hiệu quả, như: cảm cúm, bảo vệ tế bào gan, ức chế một số tế bào ung thư, giảm mỡ máu, điều hòa đường huyết... Hiện nay, sản phẩm tỏi đen SuZin của chị Loan đã được đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc; mỗi tháng, chị sản xuất hơn 1 tấn tỏi tươi, cung cấp ra thị trường 5 đến 6 tạ sản phẩm tỏi đen. Hiện nay, sản phẩm tỏi đen SuZin của chị Loan đã được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các siêu thị trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Đây cũng là sản phẩm được huyện Thiệu Hóa xây dựng thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Nói về kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, chị Loan chia sẻ: Do hiện nay nguồn nguyên liệu đang phải nhập từ nơi khác nên việc chủ động trong sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tôi sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân ở địa phương trồng tỏi để xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư máy móc hiện đại, công suất lớn để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.