Mô hình xử lý nước thải thu hồi năng lượng
Các nhà khoa học Việt Nam và Đức vừa hoàn thành dự án Hợp tác Việt Nam - CHLB Đức về xử lý nước thải công nghiệp (gọi tắt là AKIZ) . Dự án được thực hiện bởi 17 trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam và Đức, kéo dài từ 2009 đến nay.
Dự án đã thử nghiệm thành công một số hệ thống xử lý nước thải của Đức trong môi trường Việt Nam tại khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ). Các hệ thống này có khả năng xử lý độc tố trong nước thải tại nhiều nhà máy công nghiệp như nhà máy sản xuất bia rượu, nhà máy chế biến thủy sản, đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam. Hệ thống này cũng giúp tạo ra năng lượng sạch như khí đốt sinh học từ bùn thải và khả năng thu hồi chất có giá trị trong quá trình xử lý. Cụ thể trong quá trình xử lý nước thải của nhà máy chế biến thủy sản có thể thu hồi khí biogas, sử dụng năng lượng này tái phục vụ quá trình sản xuất hay thu hồi protein từ nhà máy chế biến thực phẩm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống xử lý nước thải nếu áp dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp thu hồi chất có giá trị từ nước thải, tái phục vụ quá trình sản xuất Tuy nhiên giá trị đầu tư ban đầu có thể cao.
Các nhà khoa học thực hiện dự án cũng đề xuất việc sử dụng trạm phân tích di dộng trong quá trình giám sát xả thải khu công nghiệp. Trạm phân tích di động là một phòng thí nghiệm được đặt trong một container có thể di chuyển linh hoạt. Phòng thí nghiệm này chứa đầy đủ các thiết bị hiện đại, có thể phân tích được các độc tố, tác nhân gây ô nhiễm thông qua việc phân tích chất độc hữu cơ, chất oxy hòa tan, phân tích độ axit, độ kiềm của nước thải công nghiệp. Đây là mô hình được áp dụng khá thành công tại Cộng hòa Liên bang Đức.