Mơ hồ và lo âu
Thỏa thuận hòa bình mà Mỹ ký với Taliban hồi tháng 2-2020 có đặt ra điều kiện là Taliban phải ngừng bắn và tham gia đàm phán với chính quyền Kabul để đạt tới một giải pháp chính trị, theo đó bản thân người Afghanistan sẽ quyết định các vấn đề chính trị và an ninh của đất nước.
Cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ
Trước ngày 11-9-2001, có lẽ rất nhiều người Mỹ không biết đến cái tên “Taliban”, tên “Al Qaeda” lại càng xa lạ. Nhưng, kể từ ngày đó, hai cái tên trên đã ám ảnh nước Mỹ suốt nhiều năm ròng. Vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001 nhằm vào các biểu tượng và thiết chế quyền lực ở Washington, New York đã khiến nước Mỹ rung chuyển, không chỉ bởi số lượng thương vong quá lớn, mà còn bởi người Mỹ nhận ra một điều đau đớn: nước Mỹ không còn là nơi bất khả xâm phạm nữa.
Thủ phạm chính của vụ tấn công 11-9 là tổ chức khủng bố Al Qaeda do Osama bin Laden lãnh đạo, trú đóng ở Afghanistan dưới sự bảo trợ của chính quyền Taliban ở nước này. Chính vì thế mà gần một tháng sau vụ khủng bố, ngày 7-10-2001, Tổng thống Mỹ khi ấy là George Bush (con) đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban, thiết lập một chính quyền thân Mỹ ở quốc gia Nam Á này.
Cũng từ đó, đã bắt đầu một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chính quyền Taliban sụp đổ, Al Qaeda bị các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đánh tan nát, thủ lĩnh Osama bin Laden trốn thoát sang Pakistan tiếp tục tổ chức các hoạt động khủng bố chống Mỹ và các đồng minh, mãi 10 năm sau mới bị đặc nhiệm Mỹ bắn hạ vào ngày 2-5-2011.
Việc quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan vào ngày 11-9 tới là điều khó có thể thay đổi. Ảnh: L.G
Nhưng, cái chết của Bin Laden cũng không giúp chấm dứt cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Trải qua 4 đời tổng thống, cuộc chiến của Mỹ kéo dài tới 20 năm, có những thời điểm hàng trăm ngàn quân Mỹ tham gia, khoảng 2.500 binh sĩ thiệt mạng.
Khi ông Trump vào Nhà Trắng, với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, một trong những ưu tiên của nhà tỷ phú làm tổng thống là hạn chế, tiến tới chấm dứt hầu hết những sự dính líu trực tiếp của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Afghanistan là chiến trường mà ông Trump cân nhắc rút hết quân Mỹ về nước. Các cuộc đàm phán của Mỹ với Taliban mở ra từ năm 2018, vài lần bị gián đoạn bởi những vụ tấn công của Taliban nhằm vào các lực lượng Mỹ và đồng minh.
Ngày 29-2-2020, tại thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình lịch sử, theo đó Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút toàn bộ binh sĩ đồn trú ở Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu Taliban tuân thủ các cam kết của lực lượng này.
Ngày 14-4-2021, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố từ ngày 1-5, Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan theo thỏa thuận giữa Taliban với chính quyền Tổng thống Trump trước đó; thời hạn hoàn thành toàn bộ việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sẽ là ngày 11-9-2021, tròn 20 năm kể từ ngày xảy ra vụ khủng bố chấn động nước Mỹ.
Các đồng minh trong NATO cũng theo chân Mỹ tuyên bố rút lực lượng khỏi Afghanistan, chấm dứt sự can dự dài lâu trong lịch sử chiến tranh hiện đại.
Những biến đổi trên thực địa
Thỏa thuận hòa bình mà Mỹ ký với Taliban hồi tháng 2-2020 có đặt ra điều kiện là Taliban phải ngừng bắn và tham gia đàm phán với chính quyền Kabul để đạt tới một giải pháp chính trị, theo đó bản thân người Afghanistan sẽ quyết định các vấn đề chính trị và an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào đàm phán thì hai phía đã bất đồng gay gắt về các điều kiện tiên quyết. Taliban đòi chính phủ Kabul trước tiên phải thả hết các tù nhân Taliban, đồng thời phải đảm bảo là lực lượng này sẽ có đại diện công bằng trong Chính phủ Afghanistan thời hậu chiến.
Trong khi ấy thì chính phủ Kabul lại đòi Taliban trước hết phải ngừng bắn đã rồi mới ngồi vào đàm phán. Câu chuyện về “quả trứng có trước hay con gà có trước” này, từ ngàn xưa đã cho thấy là sẽ không bao giờ đi tới đâu!
Sau khi quân Mỹ rút hết, lực lượng Taliban có tuân theo cam kết ngừng bắn để tìm giải pháp chính trị? Ảnh: L.G
Vấn đề chính nằm ở chỗ thực lực của hai bên trên thực địa. Từ trước đến nay, quân chính phủ Kabul nắm ưu thế tuyệt đối so với Taliban về không lực. Hay nói cách khác thì Taliban không có lực lượng không quân, trong khi nhờ sự trợ giúp của Mỹ, Chính phủ Afghanistan có hẳn một lực lượng không quân bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay chở hàng và máy bay không người lái.
Do vậy, khi tác chiến trên bộ, quân Chính phủ Kabul có được sự yểm trợ tối đa của không quân bằng các đợt không kích cũng như vận chuyển binh lính, hàng hóa, điều mà Taliban không thể có được. Máy bay không người lái của quân chính phủ cũng có thể xác định được các mục tiêu trên mặt đất để pháo kích, đồng thời tự mình thực hiện các vụ tấn công.
Tuy nhiên, khi quân Mỹ rút đi, chắc chắn các nhà thầu nước ngoài do Mỹ tài trợ cũng rút theo, để lại một khoảng trống mênh mông về việc duy tu, bảo dưỡng máy bay chiến đấu, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác mà quân đội chính phủ đang sử dụng.
Khi ấy, câu hỏi đặt ra là thiếu sự chống lưng mang tính quyết định đó, liệu quân chính phủ Kabul có thể kéo dài việc duy trì hoạt động của các đơn vị quân sự, đặc biệt là không quân, được bao lâu? Vài tuần, vài tháng hay một năm? Mà nếu không có sự yểm trợ của không quân, sức mạnh của quân chính phủ dường như bị giảm đi phân nửa!
Nguy cơ nội chiến hiển hiện
Ngay khi Mỹ đạt được thỏa thuận với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan, dư luận quốc tế và Afghanistan lập tức dấy lên những lo ngại về hiện trạng ở nước này, mà nghiêm trọng nhất chính là nguy cơ nội chiến.
Để khắc phục thực trạng thiếu hụt sự hỗ trợ của Mỹ và đối mặt với một tương lai bất định trong cuộc đọ sức với Taliban, chính phủ Kabul đã mở chiến dịch “Tổng động viên”, trang bị vũ khí cho dân thường và các nhóm dân quân địa phương để đối phó Taliban.
Điều này ẩn chứa những rủi ro lớn bởi vì bản thân các nhóm dân quân địa phương này, mặc dù có quan hệ lỏng lẻo với chính quyền trung ương và chung mục tiêu chống Taliban nhưng không có gì đảm bảo là sẽ không quay sang đánh lẫn nhau để tranh giành lãnh địa và phục vụ lợi ích của các thủ lĩnh.
Miền Bắc Afghanistan có thể biến thành chiến trường giữa Taliban và các nhóm không phải người Pashtun gồm những người dân tộc thiểu số Tajik và Uzbek. Miền Nam, nơi sinh sống chủ yếu của người Pashtun, có thể trở thành thành trì của các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al Qaeda bởi các nhóm này có thể tự do tiến hành các hoạt động tuyển quân, đào tạo và lên phương án tấn công quân chính phủ.
Đó là chưa kể lực lượng Tehrik-i-Taliban trong lãnh thổ Pakistan trên biên giới Afghanistan-Pakistan có thể mở các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu ở Pakistan, qua đó lôi kéo Islamabad can dự vào tình hình Afghanistan. Cũng tương tự, các nhóm khủng bố chống Ấn Độ cũng có thể nhân tình hình hỗn loạn để tấn công các lợi ích của Ấn Độ khiến cho tình thế ngày càng phức tạp.
Và trên hết, Taliban, lực lượng được tổ chức tốt, có thể dễ dàng đánh bại các nhóm dân quân do chính phủ hậu thuẫn. Được truyền cảm hứng bởi sự rút quân của Mỹ, lực lượng Taliban trên thực tế đã tiến hành cuộc chiến ngang ngửa với quân chính phủ, chiếm đất giành dân, kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Afghanistan. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi Mỹ và đồng minh bắt đầu rút quân từ ngày 1-5, Taliban đã kiểm soát được 157 quận trong tổng số 407 quận ở Afghanistan.
Điều mấu chốt là liệu sau khi quân Mỹ hoàn toàn rút đi, lực lượng Taliban có tuân theo cam kết ngừng bắn để tìm giải pháp chính trị hay sẽ nhân cơ hội đánh dấn lên để hoàn toàn chiếm quyền lực ở Afghanistan?
Mà như thế thì nguy cơ nội chiến hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Một tương lai mơ hồ
Việc quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan vào ngày 11-9 tới là điều khó có thể thay đổi. Mà thực chất thời hạn đó cũng chỉ mang tính biểu tượng bởi trên thực địa, quá nửa số binh lính Mỹ và NATO đã rút khỏi Afghanistan và còn tiếp tục rút trong tháng 7. Không có sự chống lưng của quân Mỹ, chính phủ Kabul dù muốn hay không cũng phải nhận lãnh trách nhiệm cố gắng từng bước kiểm soát tình hình, khôi phục trật tự trong nước, thành lập chính phủ liên minh, ban hành hiến pháp và đưa đất nước đi vào quỹ đạo hòa bình.
Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được với một điều kiện tiên quyết: chính phủ Kabul đàm phán với Taliban và đạt tới một giải pháp chính trị. Mà đó là một thực tế xa vời nếu xét đến tương quan lực lượng hiện nay ở Afghanistan. Do có sự khác biệt lớn về quan điểm chính trị, lại đang nắm thế thượng phong sau khi quân Mỹ rút đi nên Taliban sẽ không dễ dàng chấp nhận kế hoạch thành lập chính phủ liên minh với Kabul.
Là mồ chôn nhiều cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài, thế nhưng Afghanistan lại vẫn luôn phải chịu ảnh hưởng của các thế lực xung quanh. Trước viễn cảnh một đất nước Afghanistan hỗn loạn sau khi quân Mỹ và đồng minh rút đi, nhiều nước đang rục rịch hành động, bồi dưỡng người đại diện và lực lượng chính trị của mình để có được một vị thế trên sân khấu chính trị tương lai ở Afghanistan, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.
Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc hay Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) chỉ có thể tham gia vào tiến trình chính trị ở Afghanistan trong điều kiện đất nước này ổn định và các bên, chủ yếu là chính phủ Kabul và Taliban có mong muốn đàm phán hòa bình. Mà đây là một khả năng xa vời.
Tương lai của đất nước Afghanistan đang trong tình trạng hết sức mơ hồ và đầy lo âu.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/mo-ho-va-lo-au-i622492/