Mở hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo
Được sự tiếp sức, đồng hành từ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng sự thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhấp ngụm chè xanh bên ngôi nhà được xây dựng khá khang trang, vợ chồng ông Đinh Trú, thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh (Sơn Hà) không giấu được niềm vui khi đồng vốn chính sách bao năm qua đã luôn đồng hành, trở thành “bà đỡ” giúp gia đình ông vượt qua khó khăn. Bởi theo ông Trú, từ khi còn là hộ nghèo, ông đã được vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để trồng keo. Nhưng rồi ông nhận thấy, nếu chỉ tập trung trồng keo thì sau 5 năm mới cho thu hoạch, cuộc sống khó mà khấm khá lên được. Vì vậy, từ những con dê giống được cấp ban đầu, ông đã vay thêm vốn, phát triển đàn dê lên hàng chục con. Với giá bán khoảng 4,5 triệu/con, mỗi năm ông thu về hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi thêm gà thả vườn, heo ki để “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, cùng với linh hoạt trong cách làm ăn, năm 2019, gia đình ông đã chính thức thoát nghèo. Giờ đây, vợ chồng ông Trú đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi của người dân Làng Ghè. Từ đó, bà con trong làng đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế.
Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, ông Đinh Trú, ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) đầu tư nuôi dê, đem lại thu nhập khá.
Ông Trú phấn khởi chia sẻ: “Hồi trước, không chỉ có mình mà dân làng này nhiều người nghèo lắm, nhưng nhờ có nguồn vốn chính sách nên kinh tế phát triển. Nhiều người làm được nhà mới, mua xe đẹp. Con trai tôi cũng làm ăn có dư, sắm được xe tải để chở keo, chở mì cho người địa phương. Mùa xuân này vui hơn trước rất nhiều!”.
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà Lê Thanh Tùng, sau khi kiểm tra mô hình nuôi dê của gia đình ông Trú, nhận thấy đây là hộ có ý chí vươn lên, phát huy được hiệu quả nguồn vốn chính sách. Tuy nhiên, hiện đàn dê của ông Trú chỉ có hơn chục con, nhưng cũng tốn công một người đi chăn. Vì vậy, ngân hàng quyết định sẽ hỗ trợ ông Trú vay thêm 50 triệu đồng, để gia đình mua thêm vài chục con dê về nuôi, góp phần tăng thêm lợi nhuận.
Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Tình, ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú (Trà Bồng), mùa xuân này, niềm vui như được nhân lên khi những mô hình kinh tế đã đầu tư tiếp tục cho “quả ngọt”. Hiện gia đình bà Tình đang duy trì đàn bò 6 con và 40 con heo, trong đó, có 10 con nái, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Phạm Thị Tình, xã Trà Phú (Trà Bồng) phát triển đàn heo đen bản địa.
Bà Tình cho hay: “Hồi trước, gia đình tôi nghèo lắm. Ở xã, họ thấy hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên mới tạo điều kiện làm hồ sơ cho tôi vay vốn chính sách để làm ăn. Ban đầu do còn e ngại, nên tôi chỉ vay 20 triệu đồng. Sau khi làm ăn thấy hiệu quả, tôi trả hết nợ rồi vay lại 60 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Từ số tiền lãi tích lũy bán heo, bò qua mấy năm, gia đình đã làm được nhà cửa khang trang hơn, cuộc sống dần được cải thiện”.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng Huỳnh Huy cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác giải ngân, linh hoạt chuyển đổi các kỳ giao dịch tại một số xã ở thời điểm trước và sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nên ngân hàng đã chuyển tải đủ nguồn vốn đến từng đối tượng được thụ hưởng, giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất sau Tết. Theo đó, doanh số cho vay 2 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng đạt gần 12 tỷ đồng, với 250 lượt hộ vay; nâng tổng dư nợ tín dụng cho vay ưu đãi đến nay đạt 342 tỷ đồng. Mặt khác, chi nhánh cũng kịp thời thu các khoản nợ đến hạn, giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống còn 0,01%/tổng dư nợ.
Không riêng gì người dân ở các huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng, mà những năm gần đây, nhu cầu vay vốn của người dân ở tất cả các huyện miền núi trong tỉnh ngày càng tăng lên về quy mô nguồn vốn. Điều này chứng tỏ, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân vùng cao đã biết mở hướng làm ăn linh hoạt hơn, không còn dựa vào thế độc canh cây keo như trước.