Mở hướng phát triển kinh tế tại xã Ẳng Cang

ĐBP - Công trình hồ chứa nước Ẳng Cang đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với diện tích trên 30ha mặt nước tại bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng). Phát triển nuôi trồng thủy sản được kỳ vọng là hướng đi giúp bà con vùng tái định cư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững sau khi chuyển đến nơi ở mới.

Đoàn công tác của HĐND huyện Mường Ảng tham quan mô hình nuôi cá lồng tại tỉnh Sơn La.

Với điều kiện thuận lợi về mặt nước và các thông số thủy lý hóa phù hợp, lòng hồ Ẳng Cang nước lặng, có độ sâu phù hợp, được đánh giá có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng. Đây là hướng đi mới, cách làm hay, có tính đột phá nhằm hình thành vùng nuôi thả cá theo hướng sản xuất hàng hóa. Nuôi cá lồng được xem như giải pháp thay thế trong sản xuất nông nghiệp trên mặt đất vì phần lớn đất canh tác của người dân sinh sống tại đây đã bị ngập sâu.

Tiềm năng sẵn có, lợi ích từ việc nuôi cá lồng đã thấy rõ, nhất là để mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm với số lượng lớn, huyện Mường Ảng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La tổ chức cho bà con nhân dân vùng lòng hồ được tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng. Ngay sau chuyến công tác, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Tiến Đạt đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Dự án trình Ban Thường vụ Huyện ủy trước ngày 30/5/2022 và chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẩn trương xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá lồng để nhân dân học tập. Ông Lò Văn Pánh, Bí thư Chi bộ bản Mánh Đanh phấn khởi chia sẻ: “Tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại Mường La và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chúng tôi thấy mô hình nuôi cá lồng bè tại hai huyện này rất hiệu quả. Ngay sau chuyến tham quan học tập này, chúng tôi cũng sẽ đăng ký tham gia nuôi lồng bè tại lòng hồ Ẳng Cang”.

Không chỉ giàu tiềm năng phát triển nuôi cá lồng, lòng hồ Ẳng Cang còn có sức thu hút phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói. Bởi thực hiện di dân lòng hồ, chủ yếu là di vén gắn với sắp xếp lại dân cư. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, được lưu giữ, bảo tồn, đây sẽ là những sản phẩm du lịch thú vị với du khách ưa khám phá. Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ Ẳng Cang, ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng cho rằng: “Hồ Ẳng Cang có diện tích tương đối rộng bao quanh là núi non hùng vĩ, có hệ sinh thái đa dạng, nên phát triển du lịch văn hóa, thắng cảnh, du lịch sinh thái rừng; du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng là rất phù hợp. Thời gian tới Phòng Văn hóa - Thông tin huyện sẽ tổ chức khảo sát, đề xuất ý tưởng, xin chủ trương lập đầu tư xây dựng khu du lịch lòng hồ Ẳng Cang với kỳ vọng tạo nên điểm đến lý tưởng khi khách du lịch đến với Mường Ảng”.

Tiềm năng nuôi cá lồng và du lịch rất lớn, nhưng khó khăn thử thách cũng không nhỏ, bởi nếu nuôi với số lượng lớn, huyện Mường Ảng cần có đơn vị liên kết với các hộ chăn nuôi để bao tiêu sản phẩm. Tin rằng với sự lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện, sự đồng thuận của người dân tái định cư, nghề nuôi cá lồng kết hợp với du lịch - dịch vụ số phát triển, góp phần giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Luân (huyện Mường Ảng)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/197076/mo-huong-phat-trien-kinh-te-tai-xa-ang-cang