Mở hướng tiêu thụ điều cho Đạ Tẻh

Sản xuất điều theo hướng hữu cơ với hơn 1.000 ha diện tích, đồng thời, đẩy mạnh khâu chế biến thành phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP hạt điều rang muối là hướng đi của huyện Đạ Tẻh trong vấn đề nâng cao giá trị sản phẩm từ cây điều.

Hạt điều rang muối Chánh Thu được công nhận sản phẩm OCOP

Hạt điều rang muối Chánh Thu được công nhận sản phẩm OCOP

Trồng điều hữu cơ

Cây điều ở Đạ Tẻh được trồng trên đất đồi núi, đất bạc màu, đất không có nước tưới, trồng rừng phòng hộ với mục đích phủ xanh đồi trọc và chống xói mòn, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, tổng diện tích điều sản xuất trên địa bàn huyện là 6.820 ha. Các giống điều sản xuất chủ yếu là PN1, AB 29, AB0508, MH 4/5, MH 5/4, sản lượng hằng năm đạt 3.750 tấn/năm.

Cây điều vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, chính vì vậy, với quyết tâm, nỗ lực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cây điều, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến tỉnh tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang liên kết hướng dẫn nông dân sản xuất quy trình điều hữu cơ và đã khoanh vùng, ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua vùng điều của nông dân với diện tích là 1.090 ha/350 hộ.

Ông K’Ba, thôn Hưng Vân, xã Đạ Lây (một trong những hộ liên kết với Công ty sản xuất điều Organic VISIMEX), phấn khởi: với diện tích 2 ha điều được gia đình trồng từ năm 1996, theo kiểu truyền thống, nên cây trồng cho năng suất rất thấp và thu nhập rất bấp bênh. Sau khi được huyện hỗ trợ đầu tư tái canh vườn điều, ghép giống điều chất lượng cao, đồng thời được đội ngũ kỹ sư Công ty VISIMEX “cầm tay chỉ việc”, tận tình hướng dẫn chăm sóc, bón phân cho cây theo quy trình hữu cơ; phân, thuốc đều là vi sinh nên năng suất vườn điều tăng từng năm. Kết thúc vụ mùa vừa qua, sản lượng vườn điều thu hoạch được hơn 3 tấn, với giá ổn định 30.000 đồng/kg, trừ hết mọi chi phí gia đình ông thu được khoảng 70 triệu đồng.

Sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác lạc hậu trước đây. Anh Bùi Mạnh Hiệp, Giám đốc Công ty sản xuất điều Organic VISIMEX cho biết: Hiện công ty đang liên kết với 350 thành viên với tổng diện tích là 1.090 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Organic. Công ty đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ, chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn của Mỹ và EU. Điều đáng mừng là hộ liên kết người DTTS không còn tư tưởng ỷ lại “được hay mất mùa nhờ trời” mà chủ động chăm sóc điều theo hướng hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt và được giám sát bởi đội ngũ kỹ sư của công ty. Hằng năm, đoàn kiểm tra đến lấy mẫu đất, nước và hạt điều tại các vườn điều bất kỳ để phân tích, kết quả đều đạt độ an toàn cho phép.

Sản xuất điều hữu cơ, nông dân sẽ có giá bán tốt hơn và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm có chứng nhận. Mỗi kilôgam điều có chứng nhận hữu cơ được Công ty mua giá cao hơn 3.000 - 4.000 đồng so với giá thị trường.

Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm

Những năm gần đây, sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty TNHH MTV Chánh Thu (xã Đạ Lây), được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Ông Trần Phúc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chánh Thu cho biết, hằng năm công ty thu mua được khoảng 30% điều của huyện Đạ Tẻh với hơn 1.000 tấn tươi cho ra 350 tấn thành phẩm. Ngoài xuất khẩu hàng thô khoảng 350 tấn điều, công ty còn sản xuất 1 tấn/tháng sản phẩm hạt điều rang muối đạt chất lượng cung cấp ra thị trường.

Hạt điều rang muối của công ty được sản xuất theo quy trình hữu cơ, đảm bảo “4 không”: Không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không hương thơm nhân tạo, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Quy trình sản xuất đảm bảo khép kín, với nhân hạt điều chiếm đến 99,5%, tạo ra những hạt điều rang muối thơm ngon, chất lượng, trở thành một trong những đặc sản của huyện Đạ Tẻh. Đến thời điểm hiện tại sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và được chào đón tại một số quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc...

Năm 2020, hạt điều rang muối của công ty là một trong các sản phẩm được huyện Đạ Tẻh lựa chọn để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả, hạt điều rang muối đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Sau khi tham gia Chương trình OCOP vào năm 2019, sản phẩm hạt điều rang muối được trưng bày tại các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, Công ty cũng tìm được nhiều đối tác hơn để tiêu thụ sản phẩm chứ không còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống như trước đây.

Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động nông dân chấm dứt việc trồng điều bằng hạt và thay vào đó, đưa các giống điều mới có năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt, để tạo dựng thương hiệu điều mang lợi thế đặc trưng nổi trội của địa phương, huyện khuyến khích người dân cải tạo và thâm canh vườn điều, trồng theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm hạt điều, bằng việc phát triển thành sản phẩm OCOP giúp huyện Đạ Tẻh định hướng phát triển theo hướng liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, quan trọng hơn là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điều, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân trồng điều với các doanh nghiệp... Có như vậy, cây điều mới từng bước phát triển bền vững, trở thành một trong những cây trồng chủ lực để góp phần tăng thu nhập, ổn định kinh tế bền vững cho người dân. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển thương hiệu mới cho ngành trồng cây điều của địa phương.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/mo-huong-tieu-thu-dieu-cho-da-teh-3060132/