Mở 'kho ký ức' trực quan về lịch sử, văn hóa Việt

Di sản đồ sộ với gần 7 vạn tấm ảnh, có những bức ra đời cách đây hơn 100 năm, ghi lại những thời khắc lịch sử, khắc họa truyền thống, văn hóa Việt Nam do các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam đóng góp trong nhiều thời kỳ, vừa được mở ra cho công chúng.

Những tư liệu giá trị

Lịch sử tư liệu ảnh khoa học tới cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện. PGS. Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội cho biết: “Trước đó, các nhà nghiên cứu chủ yếu ghi chép, vẽ lại thông tin cần lưu giữ, thậm chí ở EFEO đã có cán bộ chuyên vẽ lại các hình ảnh (còn gọi là thợ vẽ). Ban đầu, ảnh được chụp chỉ mang tính cá nhân. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, công việc mô tả của mình sẽ nhẹ nhàng, chính xác hơn nhiều nếu chụp ảnh, thay vì ghi chép, vẽ lại. Chẳng hạn, khi sang Việt Nam từ năm 1898, ông Louis Finot (Giám đốc Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương và sau đó trở thành Giám đốc đầu tiên của EFEO) đã chụp các bức ảnh không chỉ liên quan đến nghiên cứu khoa học mà còn ghi lại cuộc sống của người Việt Nam thời kỳ đó...”.

Các bức ảnh trong hai kho tư liệu được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm được tổ chức nhân lễ công bố trang web. Ảnh: Th. Nguyên

Các bức ảnh trong hai kho tư liệu được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm được tổ chức nhân lễ công bố trang web. Ảnh: Th. Nguyên

Với nguồn ảnh đầu tiên như vậy, EFEO dần hình thành một thư viện ảnh rất phong phú, chủ yếu được cán bộ nghiên cứu của Viện chụp lại khi đi thực địa, từ năm 1900 tới những năm 1930. Đến năm 1936, phòng nghiệp vụ xử lý toàn bộ các khâu kỹ thuật về ảnh mới được thành lập, cùng với thư viện nằm trong trụ sở của EFEO tại đại lộ Carreau cũ ở Hà Nội (26 Lý Thường Kiệt ngày nay).

Do những ảnh hưởng chính trị, tháng 9.1954, EFEO đã chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) và hoạt động ở đó cho đến năm 1959. Các bản sao ảnh tại Hà Nội được gửi về Paris, trong khi bản gốc vẫn được giữ lại địa điểm ở Hà Nội và giao cho Viện Thông tin Khoa học xã hội (ISSI)quản lý. Qua thời gian, 2 kho ảnh của EFEO tại Paris và kho ảnh của ISSIđược tiếp tục bổ sung. Thư viện ảnh của EFEO tại Paris có hơn 100.000 bức ảnh, trong đó có hơn 10.000 bức ảnh liên quan đến Việt Nam, trong đó có những tư liệu ảnh rất xa xưa do các cá nhân đóng góp.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Thư viện Khoa học xã hội do Viện quản lý đang lưu trữ kho tư liệu ảnh với khoảng 57.000 tấm. Nội dung ảnh vô cùng phong phú, được chia thành 20 chủ đề lớn như: ảnh di tích lịch sử Việt Nam (chụp đình, chùa, đền, miếu, điện, nhà thờ, cung điện, thành trì, lăng mộ), ảnh dân tộc (các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, trên cao nguyên miền Trung hay ngư dân ven biển), ảnh sinh hoạt văn hóa (các lễ hội tôn giáo, tục thờ cúng, lên đồng, hát bóng…). Đặc biệt, có ảnh chụp các di chỉ, hiện vật khảo cổ, quá trình khai quật, khu vực khai quật tại một số vùng miền ở Việt Nam (hơn 3.000 ảnh), ảnh chụp các di tích văn hóa, di chỉ hiện vật nghệ thuật Chăm, các tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (hơn 2.000 ảnh, trong đó có ảnh một số tháp hiện nay không còn nữa)…

Có những bức ảnh hơn 100 năm tuổi, ghi lại thời khắc lịch sử, khắc họa truyền thống, văn hóa các dân tộc… đã tạo nên giá trị lịch sử, giá trị nghiên cứu vô giá của kho ảnh. Kho ảnh gốc hiện nay đã được số hóa và bảo quản ở điều kiện đặc biệt để lưu giữ lâu dài, các bản số được sử dụng để phục vụ bạn đọc.

Hợp nhất hai kho ảnh về Việt Nam

“Điểm đặc biệt của hai kho ảnh này là trong mỗi bức ảnh đều có mục tiêu, chủ đề mà nhà nghiên cứu hướng tới. Đó là các bức ảnh chụp hoạt động văn hóa, nghi lễ, hiện vật bảo tàng, công trình kiến trúc, phục vụ nghiên cứu nhân chủng học, cho thấy xu hướng nghiên cứu khoa học thời kỳ đó... So sánh hai kho tư liệu ảnh, chúng tôi thấy có những bức ảnh giống nhau, có các ảnh cùng series ảnh nhưng có cái lưu giữ ở Hà Nội, cái ở Paris, không nơi nào lưu giữ được bộ sưu tập hoàn chỉnh” - PGS. Philippe Le Failler nhận định.

Với mong muốn đưa hai kho tư liệu ảnh vào đời sống, phục vụ hoạt động nghiên cứu, ISSI và EFEO đã triển khai dự án xây dựng trang web tư liệu ảnh EFEO đang lưu trữ tại EFEO Paris và Thư viện Khoa học xã hội, được khởi xưởng từ năm 2019. Sau một thời gian thực hiện, sáng 15.2, Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp công bố trang web chung, giới thiệu phông tư liệu ảnh của hai cơ quan tại địa chỉ https://collection.efeo.fr/ws/issi/app/report/index.html. Thư viện ảnh ảo chung tập hợp gần 70.000 bức ảnh được chụp tại Việt Nam và ở nhiều nước châu Á khác trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1980.

Bà Isabelle Poujol, phụ trách kho ảnh của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cho biết: thư viện ảnh trực tuyến này được quản lý bởi một công cụ hiện đại, khai thác những lợi thế sẵn có như các bộ sưu tập ảnh được số hóa, kết hợp quản lý cơ sở dữ liệu. Tập hợp các phông ảnh trên một trang web chung là một thuận lợi rất lớn đối với các nhà nghiên cứu.

“Để có được thành quả này, thời gian vừa qua, hai bên đã triển khai khối lượng công việc lớn như: xử lý các bức ảnh, lập danh mục, số hóa, nhập thông tin gốc. Phần thông tin khá rắc rối bởi thông tin bức ảnh lúc viết bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Pháp, có khi cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Địa danh của Việt Nam theo lịch sử thay đổi nhiều, làm sao vừa có thông tin địa danh theo lịch sử và địa danh hiện nay để thuận lợi cho người nghiên cứu là công việc mất nhiều thời gian. Khi đã có dữ liệu, các chuyên gia phải xử lý theo chuẩn tin học để đưa lên thư viện ảo...” - bà Isabelle Poujol nói.

Đặc biệt quan tâm tới việc công bố di sản ảnh đồ sộ này, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho rằng: những người nghiên cứu lịch sử luôn coi ảnh là một phần của ký ức, là bằng chứng sống động về thời kỳ đã qua, vì nó trực quan. Thư viện ảnh của EFEO các nhà nghiên cứu đã biết từ lâu, nhưng nay được công chúng hóa nhờ công nghệ. Cần tiếp tục tích hợp, không chỉ kho ảnh của ISSI và EFEO, mà còn nhiều nguồn khác nữa, để mọi người tiếp cận nhanh, chính xác nhất. Bên cạnh đó, ngoài xem ảnh, việc bổ sung thông tin về các bức ảnh cũng vô cùng cần thiết, giúp công chúng có thể đọc ảnh, hiểu hơn về giá trị các bức ảnh đó.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/mo-kho-ky-uc-truc-quan-ve-lich-su-van-hoa-viet-i316315/