'Mở khóa' thể chế, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ Thủ đô

Bằng việc trao quyền tự chủ cao hơn cho tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo ra hệ thống hỗ trợ tài chính, tổ chức, nhân lực và pháp lý đồng bộ, Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của TP kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Quy định 5 nhóm chính sách đặc thù

Trước yêu cầu hiện thực hóa các định hướng lớn của T.Ư và TP tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị "về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" và Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội đã xây dựng chùm 6 Nghị quyết phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, có Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của TP.

Dự thảo Nghị quyết có quy định rõ chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng tham gia hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Nghị quyết có quy định rõ chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng tham gia hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.

Sở KH&CN Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng Nghị quyết này. Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Trần Anh Tuấn, Nghị quyết được xây dựng căn cứ theo thẩm quyền tại Luật Thủ đô năm 2024, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, nội dung Nghị quyết tiếp thu đầy đủ các chủ trương mới từ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ…

“Chính sách này sẽ cụ thể hóa được các chính sách đặc thù, vượt trội, tạo đột phá trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới” - ông Trần Anh Tuấn kỳ vọng.

Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm chính sách đặc thù, trong đó nhiều nội dung lần đầu tiên được áp dụng. Trong đó, điểm mới đột phá của Nghị quyết là cơ chế cho phép TP đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ KHCN trọng điểm. Cơ chế này sẽ khuyến khích DN, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu, được công nhận là nhiệm vụ trọng điểm và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách TP được UBND TP công nhận là nhiệm vụ trọng điểm thì được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm quy định tại Nghị quyết này.

Tại Nghị quyết cũng quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội. Theo đó, tài sản trang bị và kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách TP được chuyển giao không bồi hoàn một cách tự động, không cần thủ tục hành chính cho tổ chức chủ trì. Tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổ chức ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng kết quả nhiệm vụ cho các đối tượng khác. Trường hợp sau 3 năm, tổ chức chủ trì không triển khai ứng dụng kết quả nhiệm vụ như cam kết thì Nhà nước thu hồi lại để chuyển giao cho đơn vị khác đáp ứng đủ năng lực, điều kiện. Quy định này tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN đã tồn tại nhiều năm nay.

Một chính sách khác cũng nhận được đánh giá cao, đó là cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm. Theo Nghị quyết, quy định chính sách hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm và vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, tối đa 50% chi phí mua sắm với dự án sản xuất thử nghiệm, cùng việc hưởng ưu đãi tương tự doanh nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, tại Nghị quyết có quy định rõ chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng tham gia hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Theo đó, chuyên gia được áp dụng cơ chế thỏa thuận đối với mức tiền lương, tiền công, thu nhập tương xứng với trình độ, năng lực và hiệu quả công việc., Ngoài ra, chuyên gia cũng được ưu tiên hưởng các thu nhập theo hiệu quả công việc và các khoản thưởng đột xuất theo quy định của TP; hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển…

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng lần đầu tiên bổ sung quy định lập dự toán cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo khác như tổ chức hội thảo, thành lập hội đồng tư vấn, tổ công tác chuyên đề, thu hút chuyên gia… Cùng với ngân sách TP, Quỹ Phát triển KHCN của Hà Nội sẽ là kênh tài trợ quan trọng, không bị ràng buộc bởi quy định bảo toàn vốn. Quỹ này có thể cấp kinh phí, tài trợ, cho vay hoặc hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo.

Mở khóa thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn

Có thể nói, Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Hà Nội là một văn bản có tính chất mở đường, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các chuyên gia đánh giá, khi Nghị quyết này được thông qua sẽ là bước “mở khóa” thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm trong quản lý, đầu tư và vận hành hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) cho rằng, nghị quyết không chỉ cụ thể hóa Luật Thủ đô mà còn là những căn cứ quan trọng đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của Hà Nội. Đặc biệt, những điểm nghẽn về nhân lực chất lượng cao, cơ chế tài chính, hạ tầng… trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đã được tháo gỡ nhờ việc quy định chi tiết các nhóm chính sách đặt thù. Khi Nghị quyết được thông qua sẽ mở ra cơ hội mới, thuận lợi mới về cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, cho phép vận dụng tốt hơn các cơ chế đặc thù để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc.

Cũng đánh giá cao dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Mai Đức Thắng cho rằng, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là một yêu cầu tất yếu, thể hiện tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái KHCN tiên tiến, năng động. Để cơ chế này phát huy hiệu quả mà không trở thành kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, dự thảo đã bổ sung một số nội dung bảo đảm tính chặt chẽ như quy định rõ tiêu chí rủi ro được chấp nhận trong nghiên cứu; cơ chế giám sát, đánh giá giữa kỳ và hậu kiểm các dự án; trách nhiệm của hội đồng khoa học, cơ quan chủ trì và người đứng đầu tổ chức thực hiện.

Khi Nghị quyết được thông qua và triển khai hiệu quả, Hà Nội sẽ không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về khoa học, công nghệ, mà còn trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô thông minh, xanh, hiện đại và bền vững.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-khoa-the-che-tao-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-thu-do.777421.html