'Mở khóa' thị trường khí đốt toàn cầu

Các nhà lãnh đạo của Israel và Lebanon mới đây đã ký các văn kiện thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải giữa hai nước do Mỹ làm trung gian, khởi động từ năm 2020. Động thái này không chỉ là bước đi lịch sử giải quyết căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước, mà còn được thế giới hân hoan hưởng ứng, bởi thỏa thuận được xem là đã 'mở khóa' để có thêm các nguồn khí đốt từ biển Địa Trung Hải.

Phương tiện khai thác ở mỏ khí đốt Karish trong khu vực biên giới Israel - Lebanon vào tháng 9/2022. Ảnh: AFP

Phương tiện khai thác ở mỏ khí đốt Karish trong khu vực biên giới Israel - Lebanon vào tháng 9/2022. Ảnh: AFP

Tuyên bố về tiến bộ mới nhất với Lebanon, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho rằng, thỏa thuận không chỉ tăng cường an ninh, bảo đảm ổn định ở biên giới của Israel, mà còn giúp nước này có thêm hàng tỷ USD. Về phần mình, Tổng thống Lebanon Michel Aoun cũng khẳng định, thỏa thuận thỏa mãn ý chí của Lebanon, bao gồm việc bảo vệ quyền về tài nguyên thiên nhiên.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, thỏa thuận này không chỉ là bước đi lịch sử đối với ngoại giao giữa Israel và Lebanon, mà còn có ý nghĩa to lớn bao trùm toàn cầu. Bởi, trong bối cảnh thế giới đang thiếu khí đốt nghiêm trọng, đặc biệt là trong những tháng mùa đông sắp tới, thỏa thuận giữa Israel và Lebanon tạo ra những tín hiệu tăng sản lượng khí đốt tự nhiên.

Bình luận về sự kiện này, ông Maha Yahya - Gám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie tại Thủ đô Beirut, Lebanon cho biết, thỏa thuận giúp cả hai quốc gia đều có lợi ích kinh tế trong duy trì hòa bình dọc các khu vực biên giới chung.

Lâu nay, việc tranh chấp lãnh hải giữa Israel và Lebanon đã tạo ra nhiều “gông cùm” kìm hãm việc khai thác các mỏ khí đốt dồi dào ở biển Địa Trung Hải. Vì vậy, thỏa thuận lãnh hải do Mỹ làm trung gian có hiệu lực sẽ đi kèm với việc tạo ra cơ chế thỏa đáng cho Israel và Lebanon khai thác hiệu quả các mỏ khí đốt này. Từ đó, sản lượng khí đốt sẽ tăng cao và giải tỏa áp lực khan hiếm nguồn cung cho các thị trường năng lượng toàn cầu trong thời gian tới.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê chính thống cho hay, Israel hiện có thể sản xuất khí đốt tự nhiên từ hồ chứa trên biển Karish. Hồ chứa này và mỏ Tanin chứa từ 56 đến 85 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 44 triệu thùng dạng chất lỏng.

Trong khi đó, lâu nay, Lebanon tuyên bố chủ quyền đối với một phần của mỏ Karish và mâu thuẫn giữa hai nước căng thẳng trong thời gian dài khiến các mỏ hầu như không thể phát huy năng lực khai thác. Sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ mong muốn Israel bắt đầu sản xuất tại mỏ Karish. Cùng với đó, Lebanon sẽ khai thác mỏ Qana cũng tại khu vực tranh chấp kéo dài. Điều này sẽ giúp tăng nguồn cung và giảm bớt áp lực của tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu.

Cũng theo truyền thông quốc tế, ngay sau khi xuất hiện các thông tin xác tín về thỏa thuận phân định lãnh hải giữa Lebanon và Israel, một trong 6 doanh nghiệp dầu khí lớn nhất thế giới là TotalEnergies của Pháp đã lập tức đến Thủ đô Beirut của Lebanon để thảo luận về thăm dò và phát triển mỏ khí đốt này. Dễ thấy, thỏa thuận diễn ra vào thời điểm Lebanon đang thiếu năng lượng trầm trọng dẫn đến mất điện kéo dài, đi kèm với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Thỏa thuận mang tới những lợi ích cho Israel và Lebanon, bao gồm việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài lớn hơn.

Dù thỏa thuận được đánh giá là tiến bộ quan trọng, song, một số nhà nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sự bền vững trong quan hệ Israel - Lebanon. Bởi, một số điều khoản trong thỏa thuận chưa được xác định rõ ràng.

Điển hình trong đó, từ thỏa thuận, Lebanon được trao quyền sản xuất ở mỏ Qana, nhưng mỏ này nằm trên cả vùng biển của Israel. Vì vậy, Israel vẫn sẽ được hưởng một phần tiền thuê mỏ này. Tuy nhiên, thỏa thuận không quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận mà Israel sẽ được nhận từ mỏ Qana.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi Lebanon phát triển mỏ Qana, vẫn hiện hữu những vấn đề chưa thỏa đáng dễ nhận thấy đối với Israel. Đây sẽ là yếu tố có thể “thổi bùng” một ngọn lửa bất đồng giữa hai nước trong tương lai.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mo-khoa-thi-truong-khi-dot-toan-cau-post455938.html