'Mò kim đáy bể' tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau
Để tìm hiểu thực hư về quá trình 'ảo thuật' thủ tục xuất khẩu cua Cà Mau, chúng tôi đã đến tận các cơ sở sản xuất của những doanh nghiệp được cấp code.
Kỳ 1: Vén màn mánh khóe xảo quyệt sau chuyện thương lái ép giá ở thủ phủ cua Cà Mau
Kỳ 2: Dễ thuê, khó xin code - 'Luật ngầm' vây giới buôn cua Cà Mau
Video: Mánh khóe xảo quyệt đưa cua Cà Mau 'thần tốc' qua biên giới
Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, trong 4 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Trang (code: TS 988), Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Ánh Linh (code: TS 986), Chi nhánh Công ty TNHH kinh doanh thương mại Gia Thành (code: TS 944) và Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển quốc tế Hoàng Anh (code: TS 792) là những doanh nghiệp đều đặn xuất khẩu cua tới thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp này đều có cơ sở sản xuất với địa chỉ cụ thể, nằm rải rác ở các tỉnh: Cà Mau, TP.HCM, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Chúng tôi đã lần theo từng địa chỉ, chi nhánh của các đơn vị được cấp code xuất khẩu cua để tìm hiểu hoạt động cũng như quy mô doanh nghiệp.
Cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH kinh doanh thương mại Gia Thành (Chi nhánh Công ty Gia Thành) ở địa chỉ 91/115 Huỳnh Thúc Kháng (khóm 8, phường 7, TP Cà Mau). Đây là địa chỉ mà doanh nghiệp này đăng ký làm cơ sở sản xuất cho mặt hàng cua xuất khẩu.
Dù có số nhà cụ thể, nhưng hơn 1 tiếng đồng hồ đảo nhiều vòng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi vẫn không tài nào tìm được địa chỉ của Chi nhánh Công ty TNHH kinh doanh thương mại Gia Thành.
Hỏi người dân trong khu vực, tất cả đều nói với chúng tôi xung quanh không có công ty chuyên xuất khẩu thủy sản nào. Để chắc chắn hơn, chúng tôi đã liên hệ với một lãnh đạo cơ quan chức năng ở tỉnh Cà Mau để hỏi thông tin.
“Cái Công ty Gia Thành vẫn có trụ sở ở đường Huỳnh Thúc Kháng đó, nhưng hơi khuất nên khó tìm. Mà thật ra, chỗ đó có hoạt động gì đâu, dựng cái bảng lên thế thôi”, vị lãnh đạo này nói.
Theo lời của vị lãnh đạo này, một lần nữa, chúng tôi quay trở lại đường Huỳnh Thúc Kháng để tìm tận mắt thấy Chi nhánh Công ty Gia Thành.
Sau quá trình “mò kim đáy bể”, chúng tôi tìm được ngôi nhà cấp 4 có gắn bảng hiệu “Chi nhánh Công ty TNHH kinh doanh thương mại Gia Thành - Thu mua xuất khẩu thủy sản” khuất sau hàng bán thịt heo trên đường Huỳnh Thúc Kháng.
Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở này không có dấu hiệu hoạt động. Ở khoảng sân trước ngôi nhà, sát với cánh cửa nhôm luôn được khóa chặt là lượng lớn đá hoa cương bị cắt nham nhở. Nhìn qua, nhiều người dễ dàng nhầm lẫn đây là cơ sở buôn bán đá hoa cương. Đi sâu vào phía sau, là nơi sinh hoạt của nhiều người như một hộ gia đình.
Một số người dân sống cạnh cho biết, ngôi nhà được nhiều người ở vùng khác đến thuê để ở. Từ trước đến nay, họ chưa từng thấy hoạt động sản xuất liên quan đến thủy sản nào tại ngôi nhà này.
Để chắc chắn, chúng tôi đã “đóng quân” tại đây một tuần. Đúng như lời người dân, trong một tuần này, không hề có hoạt động sản xuất nào liên quan đến thủy sản được diễn ra. Trong khi đó, cùng thời gian những lô hàng cua của Chi nhánh Công ty Gia Thành vẫn được xuất khẩu đi qua biên đều đặn.
Tương tự, cơ sở sản xuất của các công ty chuyên xuất khẩu cua ở phía Bắc cũng trong tình trạng tương tự, luôn “cửa đóng then cài”.
Trong vai thương lái có nhu cầu xuất khẩu cua qua biên giới nhưng đang “tắc” thủ tục, chúng tôi liên hệ với bà Hoàng Thị Linh Trang - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Trang (Công ty Hoàng Trang) - đề nghị được hợp tác.
Khẳng định với chúng tôi, bà Trang cho biết công ty có cơ sở sản xuất được cấp phép tại phường Hải Yên (TP Móng Cái, Quảng Ninh), hàng thủy sản vẫn được công ty xuất khẩu qua biên đều đặn mỗi ngày.
Cũng trong địa phận TP Móng Cái, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Ánh Linh (Công ty Ánh Linh) là một trong những doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu cua.
Cách TP Móng Cái hơn 170 km, tại phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là cơ sở sản xuất thủy sản xuất khẩu của Công ty TNHH Hà Trang (Công ty Hà Trang). Đây cũng là doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu mặt hàng cua.
Tại các thời điểm những lô hàng cua Cà Mau của 3 doanh nghiệp này rời sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng), chúng tôi đều chia làm 2 nhóm: Nhóm 1, tiếp tục bám theo xe chở cua lên cao tốc để tới cửa khẩu; nhóm 2, đến cơ sở sản xuất của từng công ty.
Không ngoài dự tính của chúng tôi, như những lô hàng trước đây, xe tải chở cua của 3 doanh nghiệp này chạy thẳng tới cảng tập kết và qua biên mà không hề ghé cơ sở sản xuất để kiểm tra.
Tương tự cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty Gia Thành ở Cà Mau, cơ sở sản xuất của 3 doanh nghiệp này cũng chỉ là những nhà kho được dựng bảng hiệu, không có dấu hiệu hoạt động.
Còn tại Hóc Môn (TP.HCM), cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển quốc tế Hoàng Anh bề thế hơn so với những doanh nghiệp nêu trên. Trong hơn một tuần “nằm vùng” tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều xe tải chở rau củ ra vào công ty này.
Thế nhưng, tuyệt nhiên không có mặt hàng cua.
“Đây chủ yếu làm rau củ quả đi xuất khẩu, có cả cua với lươn nữa nhưng cua với lươn tuần chỉ làm được một buổi, hầu như không làm”, bảo vệ của Công ty Hoàng Anh nói với chúng tôi.
Trong khi đó, tài liệu của chúng tôi nắm được cho thấy, mỗi ngày, Công ty Hoàng Anh vẫn đều đặn xuất hàng tấn cua Cà Mau qua biên. Để lý giải sự vô lý này, chúng tôi đã quay trở lại Cà Mau.
Dọc quốc lộ 1A (địa phận huyện Cái Nước, Cà Mau), cứ vào khoảng đầu giờ chiều, các vựa cua lớn trên tuyến đường này lại bắt đầu nhiều người ra vào. Trong số đó, phần lớn là các lái buôn chuyên gom của của người dân ở vuông đầm, họ mang cua đến nhập cho chủ vựa.
Tại vựa cua mà theo lời của ông chủ tầm 40 tuổi là “không thích treo bảng hiệu”, cua được lái buôn mang đến liên tục. Nhận cua từ lái buôn, các nhân công ở vựa sẽ lập tức buộc càng, phân loại kích cỡ và sắp gọn gàng vào các thùng xốp.
Sau khi cân đo, trọng lượng từng thùng hàng sẽ được nhân công của vựa dùng bút lông ghi trực tiếp lên thùng. Ở khâu cuối cùng, nhân công sẽ đánh dấu mã số công ty (2ZH22 - mã số hàng của Công ty Hoàng Anh) lên từng thùng hàng.
Đến 21h, 18 thùng hàng (mỗi thùng 25 kg, giá khoảng 10 triệu đồng/thùng) đã được nhân công của vựa sắp gọn gàng chờ xe tải (trọng tải 15 tấn) đến bốc. Sau khi bốc xong ở vựa này, xe tải tiếp tục ghé các vựa khác để bốc hàng.
Theo chủ vựa cua này, đó cũng chính là quy trình mà hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cua Cà Mau hiện đang làm. Còn về nguồn hàng, người này không ngần ngại tiết lộ: “Mùa này cua ít lắm, lái gom ở đâu cũng được, gom về đây chúng tôi nhận hết”.
Thông tin này trùng khớp với các khảo sát thực tế của chúng tôi thời gian qua. Hầu hết cua Cà Mau đều được gom tới vựa, sau đó liên tục hành trình vận chuyển qua biên giới mà không hề ghé cơ sở sản xuất.
Những trùm cua Cà Mau mà chúng tôi nhắc ở các kỳ trước, chính họ là chủ các lô hàng cua sau khi gom từ người dân. Dù rất muốn “đường đường chính chính” xuất cua theo đúng thủ tục, thế nhưng “ải” xin cấp code khó qua, họ buộc phải thuê code.
Như vậy, sự vô lý mà chúng tôi thắc mắc đã được lý giải: Các vựa cua hiện đang làm thay các công việc của các cơ sở sản xuất. Khâu kiểm tra kích cỡ, đóng gói được đã được các vựa “gánh”, còn khâu kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm hiện chưa có giải đáp.
Trả lời VTC News, TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng SPS Việt Nam) - Cơ quan đầu mối quốc gia minh bạch các quy định SPS của các thị trường nhập khẩu - cho biết, đối với mặt hàng cua, trước khi xuất khẩu (bất kể tiểu ngạch hay chính ngạch) đều bắt buộc phải đưa vào cơ sở sản xuất để kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo ông Hòa, mặt hàng cua hiện vẫn chưa có mã vùng mà chỉ có mã cơ sở đóng gói. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu cua đều phải có cơ sở sản xuất được cấp mã của Tổng cục Hải quan.
“Cơ sở đóng gói đó để được cấp mã là đã được NAFI kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện và gửi cho Hải quan nước nhập khẩu thông qua. Nói tóm lại, muốn xuất khẩu cua là phải đưa vào cơ sở đã được cấp mã số để dịch, kiểm tra, dán nhãn ghi rõ mã số cơ sở nào, cua vùng nào… đạt yêu cầu thì mới được cấp chứng thư để xuất khẩu”, ông Lê Thanh Hòa nói.
Như vậy, dù có cơ sở sản xuất nhưng công đoạn đưa cua vào để kiểm dịch, kiểm tra ATTP đều bị các doanh nghiệp trên cắt bỏ. Câu hỏi được đặt ra, phải chăng cơ sở sản xuất chỉ là những “tấm màn” được các doanh nghiệp lập ra để qua mặt cơ quan chức năng nhằm hợp thức điều kiện xuất khẩu? Vậy, sự thật đằng sau những mã code được NAFI cấp là gì?