Mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ: 'Cửa sáng' phục hồi ngành kinh tế xanh
Việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng tạo động lực để ngành kinh tế xanh phục hồi mạnh mẽ sau hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Hành khách đi trên chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Phnôm Pênh (Campuchia) về Việt Nam hôm 1/1/2022.
Doanh nghiệphàng không sẵn sàng nguồn lực
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 ngày đầu khôi phục trở lại chuyến bay quốc tế thường lệ (từ ngày 1/1/2022), có 64 chuyến bay chở 7.847 khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong đó, có 18 chuyến bay thương mại, 25 chuyến bay combo (trọn gói) và 21 chuyến bay chở chuyên gia, khách du lịch.
Hiện đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Dù cơ bản thống nhất với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, tuy nhiên, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc cho biết, do quy định phòng chống dịch, nước này đang hạn chế chuyến bay chở khách đến. Bởi thế, tần suất chuyến bay của Vietnam Airlines chiều Việt Nam - Hàn Quốc bị hạn chế, chỉ được cấp 2 chuyến/tuần, trong khi Hãng hàng không Hàn Quốc được phép khai thác 21 chuyến/tuần.
Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng hàng không trao đổi với phía Hàn Quốc để thống nhất phương án phù hợp đối với các hãng hàng không hai bên.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, Hãng đang nỗ lực khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Hiện tại, Vietnam Airlines đã mở lại đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ 7 thị trường là: Mỹ (4 chuyến/tuần), Nhật Bản (3 chuyến/tuần), Hàn Quốc (2 chuyến/tuần), Đài Loan (1 chuyến/tuần), Singapore (2 chuyến/tuần), Thái Lan (2 chuyến/tuần), Campuchia (4 chuyến/tuần). Các đường bay này đã được mở bán rộng rãi và phục vụ tất cả hành khách đáp ứng các yêu cầu về quy định nhập cảnh, y tế của Chính phủ Việt Nam, đảm bảo khai thác an toàn.
Trong khi đó, Vietjet Air đã khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản với tần suất 1 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. “Chúng tôi đã sẵn sàng nguồn lực để khai thác trở lại tất cả các đường bay quốc tế thường lệ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới mẻ cho hành khách”, Giám đốc điều hành Vietjet Air Đinh Việt Phương chia sẻ.
Đề xuất bỏ quy định xét nghiệm nhanh Covid-19, “đếm” F0
Từ góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel nhận định, các chuyến bay thường lệ được mở lại mở ra cánh cửa tràn đầy ánh sáng để phục hồi ngành công nghiệp không khói. Bởi, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu, do nước ta mới thí điểm thông qua các chuyến bay charter qua các doanh nghiệp được cho phép.
Để hấp dẫn du khách quốc tế và tăng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế được đón du khách nước ngoài, ông Tài kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau khi lên máy bay. Bởi thực tế, một số sân bay nước ngoài không bố trí cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao. Tại Nhật Bản, chi phí này lên tới 270 USD/lần xét nghiệm.
Ngoài ra, theo các hãng hàng không, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh Covid-19 như quy định về thời gian thực hiện xét nghiệm trước khi lên tàu bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm, do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không.
Mặt khác, việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
Bên cạnh việc kiến nghị bỏ quy định xét nghiệm nhanh, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kêu gọi các địa phương không nên “đếm” số lượng người nhiễm Covid-19 (F0) bởi điều này khiến khách quốc tế e ngại, không tới Việt Nam nữa.
Các doanh nghiệp du lịch đều đề xuất cơ quan chức năng linh hoạt trong việc mở lại du lịch quốc tế để vực dậy ngành kinh tế xanh. Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, du lịch cho rằng, vắc-xin mới là nhân tố thay đổi cục diện “cuộc chiến” chống Covid-19, chứ “đóng cửa” với quốc tế cũng không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, đóng cửa còn làm cho việc trở về nước của rất nhiều người Việt ở nước ngoài trở nên khó khăn và đắt đỏ; các chuyên gia, giới đầu tư, doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam cũng không dễ. Trong khi đó, các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch mất đi những cơ hội phục hồi quý báu.