Mở lại đường bay quốc tế, chưa thể có khách du lịch ngay
Theo nhiều doanh nghiệp, giai đoạn đầu mở đường bay thường lệ tới một số nước, đối tượng khách quốc tế sang Việt Nam du lịch chưa có ngay, nhưng Việt Nam cần có các kế hoạch khả thi đón khách trở lại.
Chưa thể có khách ngay
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông David Ho, đại diện công ty TNHH du lịch quốc tế Beibaogo, đơn vị chuyên phục vụ dòng khách Hoa (Đài Loan, Trung Quốc), cho rằng, tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 18/9 về phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục nới rộng và tăng cường các chuyến bay quốc tế có kiểm soát với các đối tượng là nhà đầu tư, chuyên gia sang Việt Nam làm việc.
“Qua đó cho thấy, giai đoạn này đối tượng khách du lịch quốc tế sang Việt Nam du lịch vẫn bằng “0” - vì khách du lịch không thuộc đối tượng ưu tiên trong giai đoạn này”, ông David Ho nhận định.
Theo ông, nếu có đi chăng nữa thì thực sự khách quốc tế cũng chưa sẵn sàng đi du lịch nước ngoài bởi 2 lý do chính: Bản thân mỗi quốc gia cũng đang thực hiện chính sách kích cầu du lịch trong nước (du lịch tại chỗ) nên mối quan tâm đầu tiên trong chính sách của họ là thu hút và kích cầu du lịch nội địa. Hơn nữa, tâm lý e dè lo ngại dịch trong xã hội vẫn còn.
Tại Việt Nam, qua hai đợt giãn cách xã hội, các trường hợp phát hiện dương tính với Covid-19 có tới hơn 90% là từ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Do đó, nếu không có giải pháp bài bản, khả thi, nguy cơ dịch lan ra cộng đồng là không hề nhỏ.
Ngoài ra, bà Nhữ Thị Ngần, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) cho rằng, khi khách nước ngoài vào Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định. Việc cách ly kéo theo rất nhiều yếu tố khác, ví dụ tour du lịch chỉ 5-7 ngày nhưng thời gian cách ly tới 14 ngày đương nhiên là rất khó đối với du khách cũng như các DN lữ hành... Đây cũng là trở ngại với khách quốc tế.
Ông Phạm Hà, chủ tịch Luxury Group, đánh giá, với các thị trường quốc tế, ngoài các chuyên gia, nhà đầu tư, việc khi nào có khách du lịch thuần túy tùy thuộc từng thị trường.
Với một số thị trường châu Á, chuyện mở đường bay quốc tế thường lệ để thử xem tình hình khách như thế nào là nên làm, nếu không có khách phải tạo ra nhu cầu, với điều kiện phải đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Bởi, ông Hà khẳng định, không mở lại các đường bay quốc tế cũng “chết”. Ngoài một số đường bay tới châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... ông Hà kiến nghị tới đây khi mở lại đường bay nên tập trung vào những thị trường đông khách, có tiềm lực như Úc, New Zealand, tiếp đó là các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp,...
Ông Hà dẫn chứng, tại công ty ông có những khách Đức đặt từ tháng 3, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải hoãn, giờ chỉ chờ đường bay mở lại là họ đi du lịch. Thị trường Đức không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, người dân có tiềm lực tài chính tốt, thời tiết chuẩn bị vào lạnh nên nhu cầu đi du lịch là có. Chưa kể, xu hướng đi du lịch của khách thay đổi nên việc ra quyết định cũng nhanh hơn.
Trong khi đó, việc Việt Nam phòng chống dịch tốt nên khách tin tưởng, thủ tục visa giờ cũng thông thoáng hơn nhiều.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí nhìn nhận, khách quốc tế được coi là luồng sinh khí mới tiếp sức cho du lịch nội địa. Nhu cầu đi du lịch có thể không mạnh như trước, nhưng chắc chắn vẫn có. Do vậy, việc đón khách chưa thể kỳ vọng có ngay, nhưng nên chú ý đến quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam đã công bố kiểm soát được dịch.
Thay đổi cách đón tiếp
Ông David Ho lưu ý, vấn đề đầu tiên là cần xác định đối tượng du khách trọng tâm trong giai đoạn trước mắt là thị trường khách nào?
Theo cá nhân ông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường chúng ta nên tập trung xây dựng niềm tin du lịch với họ, đây là điều quan trọng nhất. Lý do là bởi khoảng cách địa lí gần, lượng khách hàng năm sang Việt Nam du lịch chiếm tỷ trọng khá lớn, chưa kể văn hóa có nét tương đồng sẽ tạo đà kích cầu.
Sau khi xác đinh được đối tượng khách, cần có chính sách quảng bá phù hợp bên cạnh các chính sách ưu đãi về giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Hãy tập trung quảng bá nội bộ du lịch Việt Nam hiếu khách, an toàn thông qua loạt ký sự hay phim tư liệu sẽ có tính thuyết phục cao hơn”, theo ông David Ho.
Ngoài ra, đối tượng khách nên tập trung nhiều hơn vào các chuyên gia, nhà đầu tư sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ chính là cầu nối cũng như nơi cung cấp thông tin rất đáng tin cậy cho các du khách tại quốc gia họ sinh sống.
Việt Nam cũng cần rút ngắn các thủ tục kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm,... ở khâu nhập cảnh. Cần quy hoạch cụ thể điểm đến, khách sạn đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Trước mắt, khách quốc tế chưa đến ngay với số lượng ồ ạt được. Song với nhu cầu, xu hướng du lịch khác trước du khách sẽ tránh chỗ đông người. Vì vậy, ông Phạm Hà cho rằng các sản phẩm du lịch cho khách quốc tế cần hướng tới nơi có cảnh đẹp hoang sơ, biển đảo, gắn với cuộc sống thiên nhiên nhiều hơn, ngắn ngày hơn và chia ra nhiều lần trong năm.
Còn theo ông David Ho, sau dịch Covid-19, du lịch tại chỗ sẽ là xu hướng kéo dài đến hết năm 2021. Thay vì tới nơi đông người, náo nhiệt, mua sắm, khách du lịch sẽ sống chậm lại với các loại tour đặc biệt như Wellness tour (du lịch cá nhân thiên về chăm sóc sức khỏe), Social tour (dành thời gian cho gia đình, bạn bè nhiều hơn trong các kỳ nghỉ), Nature tour (gắn kết với thiên nhiên).
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), kiến nghị cần có lộ trình đón khách quốc tế. Việt Nam nên ký kết với các quốc gia khống chế dịch tốt để bàn bạc, ký quy ước hai bên. Khách trước khi sang Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm âm tính. Chúng ta chỉ nên tập trung vào một số điểm đến phục vụ khách, tránh đi du lịch tràn lan, chẳng hạn như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao ở các vùng biển. Tại đây, ngoài ăn uống nghỉ dưỡng tắm biển, những nơi này cần tổ chức thêm các dịch vụ như vui chơi giải trí, trò chơi, văn hóa văn nghệ,... sau đó, mới tính đến các điểm du lịch khác.