Mở lại phiên tòa xử bác sỹ bị cáo buộc hiếp dâm đồng nghiệp ở Huế
Dự kiến, sáng 22/3, TAND TP Huế sẽ xét xử Lê Quang Huy Phương (SN 1983, bác sỹ da liễu, ở TP Huế) về tội Cố ý gây thương tích, Hiếp dâm và Bắt giữ người trái pháp luật.
Phiên tòa được mở lại sau hơn 3 tháng tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trước đó, tại phiên ngày 1/12/2020, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề sau: Thứ nhất, giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Cụ thể, chuyển toàn bộ nội dung, âm thanh của file âm thanh có thời lượng 1 giờ, 13 phút, 1 giây, thành văn bản do nội dung giám định này chưa đầy đủ.
Thứ hai, yêu cầu giám định lại thương tích của người bị hại là chị Dương Huỳnh Thu T. (SN 1996, ở Thừa Thiên Huế) tại thời điểm bị thương tích, do căn cứ xác định tỉ lệ thương tích chưa rõ ràng.
Thứ ba, cần thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, dựng lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại, từ khi bị hại đến phòng 203 khu chung cư Đống Đa cho đến khi ra về.
Thứ tư, tiến hành đối chất giữa bị cáo, bị hại về vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai.
Ý kiến luật sư
Luật sư Ngô Văn Nam cho rằng, bản kết luận điều tra bổ sung (sau khi TAND TP Huế trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung) đã không làm sáng tỏ được 4 yêu cầu mà HĐXX nêu.
Tòa yêu cầu giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an... Về vấn đề này, CQĐT kết luận sau khi giám định lại là “không có gì khác nhau”.
Theo ông Nam, việc CQĐT dựa theo nội dung của đoạn băng ghi âm do người bị hại là chị T. tự ghi, tự giao nộp để làm căn cứ buộc tội bị cáo là sự áp đặt vô căn cứ.
Luật sư cho rằng, do các lời khai của chị T. và bác sỹ Phương có nhiều mâu thuẫn, nên cần tiến hành đối chất đề làm rõ các vấn đề.
Nhưng bản kết luận điều tra bổ sung lại khẳng định, không cần đối chất, vì tại phiên xử sơ thẩm, các bên đã trình bày lời khai của mình, và trong hồ sơ đã thể hiện rõ lời khai. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ.
Đối với yêu cầu tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại, CQĐT đã không tiến hành thực nghiệm điều tra với lý do: Không phù hợp và không đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe…
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, thực nghiệm điều tra có rất nhiều hoạt động, trong đó có dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống.
Trong vụ án này, bắt buộc phải thực nghiệm điều tra mới có thể xác định được sự thật khách quan, bởi lời khai của bị hại, lời khai của bị cáo có sự mâu thuẫn. Cần thực nghiệm điều tra để xác định bị cáo có mục đích giao cấu trái ý muốn bị hại hay không.
Về yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tích của nạn nhân, kết luận điều tra bổ sung nêu: “... Không có cơ sở gì để kết luận giám định lần đầu không chính xác. Vì vậy, không có căn cứ để tiến hành giám định lại tỷ lệ thương tích của chị T. tại thời điểm bị thương tích”.
Về việc này, ông Hướng nêu quan điểm: CQĐT đã không thực hiện việc trưng cầu giám định lại như yêu cầu của Tòa. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng.
Luật sư trích dẫn: khoản 1, Điều 211 BLTTHS 2015 nêu rõ, việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
“Dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa xét xử, lời trình bày của bị cáo, bị hại, người làm chứng, giám định viên và những người có liên quan khác, cũng như căn cứ hồ sơ tài liệu vụ án, HĐXX đã cân nhắc và ra quyết định yêu cầu giám định lại.
Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra bổ sung lại thực hiện việc xin ý kiến giải thích hướng dẫn của Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để rồi đơn vị này hướng dẫn CQĐT lấy ý kiến của chính đơn vị giám định ban đầu.
Hoạt động này của CQĐT không chỉ không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự, mà còn phản khoa học”, luật sư Hướng nêu.