Mở lối cho cảng biển
Một điểm đặc biệt quan trọng trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được tính tới đó là sự kết nối giao thông. Hiện nay kết nối giao thông tại một số nơi, khu vực chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển, nhu cầu cảng biển.
Lạc hậu do giao thông tắc nghẽn
Đơn cử, khu vực cảng biển Hải Phòng có 98 cầu bến bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng gần 14.200 m. Một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 100.000 DWT giảm tải ra, vào làm hàng đảm bảo an toàn.
“Sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao, chiếm đến 90% lượng container và hơn 50% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực. Giai đoạn 5 năm gần đây, hàng hóa tăng trưởng bình quân đạt 10,3%/năm”, ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) thông tin.
Tuy vậy, theo ông Đạt, việc phát triển cảng biển Hải Phòng hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, nút thắt lớn nhất là mạng lưới giao thông kết nối, bởi đường bộ vẫn đang là phương thức vận tải chiếm ưu thế cho việc rút hàng từ cảng (chiếm 50%) khiến hiện tượng ùn tắc đường bộ sau cảng diễn ra thường xuyên, nhất là tại khu vực cảng Chùa Vẽ, Đình Vũ.
Đáng chú ý, được xếp vào top 30 cảng biển lớn nhất thế giới nhưng tình trạng ùn tắc giao thông ở cảng Cát Lái, Q.2, TP HCM nhiều năm qua gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa container. Điều này tái diễn thường xuyên ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển cũng như thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp (DN)... Theo Sở GTVT TP HCM, chỉ trong năm 2020 có đến 133 vụ ùn tắc trên các tuyến đường thông qua cảng.
Trước thực trạng trên, ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đánh giá: Cảng biển Việt Nam đang dần lạc hậu với xu thế container hóa của thế giới bởi tình trạng phân mảnh, các bến cảng thiếu sự liên thông. Trong đó, kết nối giao thông là điểm nghẽn phát triển cảng biển. Hầu hết các trục đường kết nối đến cảng các khu vực như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM có quy mô chưa tương xứng với năng lực cảng biển.
Các cụm cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải dù được quy hoạch là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế nhưng lại chưa có kết nối đường sắt, kết nối đường thủy còn yếu, dẫn tới hàng hóa chủ yếu thông thương bằng đường bộ, các trục đường dẫn tới cảng thường xuyên tắc nghẽn.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Với tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải khi phải gánh cả giao thông đô thị làm xung đột giao thông với cảng biển. Hiện cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, TP HCM, Hải Phòng… đều đang bị hiện tượng này. Do đó, quy hoạch cảng biển phải tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị để đảm báo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất.
Kêu gọi tư nhân tham gia
Để giải quyết thực trạng trên, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ GTVT vừa đưa ra giải pháp đột phá nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới đầu mối vận tải lớn như cảng biển. Nhất là Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải sẽ có tuyến cao tốc kết nối trực tiếp. Các cảng biển còn lại sẽ có cao tốc và quốc lộ kết nối.
Đại diện đơn vị tư vấn TEDI đánh giá, các tuyến nhánh nối từ quốc lộ với cảng biển đa phần do các địa phương quản lý. Do phân cấp quản lý chưa rõ ràng nên không được đầu tư nâng cấp, mở rộng và bảo trì dẫn đến nhỏ hẹp, hay xảy ra tắc nghẽn.
“Đối với các cảng chưa có quốc lộ kết nối trực tiếp, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch các nhánh nối vào hệ thống quốc lộ, tăng kết nối các phương thức vận tải, giúp giảm chi phí logistics. Theo kịch bản dự báo, khi thực hiện đầy đủ theo quy hoạch, các tuyến quốc lộ kết nối tốt sẽ giúp giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải khác”, theo đại diện TEDI.
Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải VN lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Dự báo đến năm 2030, với lượng hàng hóa gấp 2 lần như hiện nay thì nhu cầu về vốn đầu tư cũng cần tương ứng.
Trước mắt, khắc phục những bất cập về hạ tầng cảng biển, TP HCM đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Dự kiến, việc thu phí sẽ áp dụng từ đầu tháng 6/2021 với kinh phí thu được mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng, bổ sung vào nguồn vốn mà thành phố phân bổ đầu tư cho hạ tầng giao thông. “Khác biệt của nguồn vốn này là tập trung đầu tư cho những tuyến đường ra vào cảng để mở lối cho cảng”- ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho hay.
Cùng với đó tại khu vực cảng của Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, các địa phương đã lên kế hoạch đầu tư hệ thống đường kết nối ra vào cảng. Tỉnh Đồng Nai đã quyết định đầu tư tuyến đường 25C, nối từ đường Hùng Vương (Hương lộ 19) đến đường Liên Cảng (huyện Nhơn Trạch. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2021.
Được biết, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai thúc nghiên cứu áp dụng phương thức đầu tư PPP, kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước giải phóng mặt bằng và kêu gọi vốn xã hội đầu tư...
“Khi quy hoạch hoàn thành, Cục Hàng hải sẽ tham mưu cho Bộ GTVT, Chính phủ các dự án ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để tạo động lực phát triển. Cục cũng sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến để kêu gọi các nguồn vốn tư nhân tham gia phát triển cảng biển, đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch được duyệt”, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-loi-cho-cang-bien-558892.html