Mở lối cho người lầm lỡ
Sáng 2-12, Q. Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) tổ chức gặp mặt biểu dương, tặng quà cho số thanh thiếu niên tiến bộ trong thực hiện Chỉ thị 24 cùng 37 của Ban thường vụ Thành ủy về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" và "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật".
8 giờ, hơn 30 trường hợp trong diện quản lý cùng người thân đến Hội trường quận ủy Cẩm Lệ để tham dự buổi gặp mặt. Ai nấy đều khá tự tin và tỏ rõ sự quyết tâm hướng thiện, mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Không chút ái ngại, em Nguyễn Hoàng Vỹ, trú P.Hòa Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ) kể lại chuyện sai lầm của mình như là bài học cảnh tỉnh để các bạn cùng trang lứa tránh xa tệ nạn ma túy. Vỹ bảo, do đua đòi, không chuyên tâm học hành, bị bạn bè xấu rủ rê nên em sử dụng trái phép chất ma túy đá. Hơn 1 năm "dính" vào thú tiêu khiển vừa đắt tiền vừa hại sức khỏe này, Vỹ thấy thương cha mẹ vất vả nên quyết tâm đoạn tuyệt, làm lại cuộc đời. Được sự quan tâm, cảm hóa, động viên và giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh P.Hòa Thọ Đông, Vỹ chọn nghề học sửa xe máy để làm kế mưu sinh. Từ 5 triệu đồng do chính quyền hỗ trợ, Vỹ sử dụng vào việc học nghề và bây giờ đã thạo việc, có thể tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Quá trình sinh sống tại địa phương, Vỹ tích cực tham gia CLB Nhân Ái do UBND P.Hòa Thọ Đông thành lập và được các anh CAP Hòa Thọ Đông tư vấn cho rất nhiều điều hay, lẽ phải. Những lần theo chân các thành viên CLB Nhân Ái tham quan cơ sở cai nghiện Bàu Bàng (tại xã Hòa Bắc), Trường giáo dưỡng số 3 (xã Hòa Phú) hay làm từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm y tế Q.Cẩm Lệ, Vỹ rút ra được nhiều bài học cho tương lai của mình. Thời gian đến, Vỹ mong chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để vay vốn mở tiệm sửa xe, tạo dựng cuộc sống mai sau.
Cùng cảnh ngộ như Vỹ, Bùi Văn Thôi, trú P. Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ) được Hội LHPN P.Khuê Trung cảm hóa, giáo dục tiến bộ. Hiện Thôi làm phụ xe buýt, có mức thu nhập ổn định, đã đoạn tuyệt với ma túy. Nguyện vọng của Thôi là mong muốn được hỗ trợ kinh phí học bằng lái ô-tô để sau này chạy taxi. Do em chưa đủ 20 tuổi nên kế hoạch này sẽ được chính quyền ghi nhận, tạo điều kiện thực hiện trong tương lai. Theo chị Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam (Q.Cẩm Lệ), trong 2 năm 2016 và 2017, Q.Cẩm Lệ đã phân công các hội đoàn thể từ quận, phường, khu dân cư giáo dục, cảm hóa 62 thanh thiếu niên theo Chỉ thị 37 và 24 của Thành ủy Đà Nẵng. Hiện đã có 37 em được hỗ trợ học nghề (10 em), giới thiệu việc làm (18 em), vay vốn (2 em)... với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Đến nay đã có 44 em tiến bộ (đạt tỷ lệ 71%), trong đó có 38 em có việc làm ổn định. Nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực trong công tác giáo dục, cảm hóa đã được các hội đoàn thể, các địa phương triển khai thực hiện hết sức hiệu quả như "Gia đình và chúng tôi luôn bên bạn" của Hội LHPN Q.Cẩm Lệ, "Ngăn tại chỗ quản từ xa" của Đoàn thanh niên Q.Cẩm Lệ, "CLB giúp nhau cùng tiến" của P.Hòa An, "CLB Nhân ái" của P.Hòa Thọ Đông...
Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư tiến bộ, Đại úy Phan Xuân Phúc, Phó trưởng CAP Hòa Thọ Đông cho biết, hiện địa phương có 2 mô hình gồm "CLB Nhân ái" và "CLB cai nghiện tại gia đình và cộng đồng". Các CLB này sinh hoạt đều đặn, không nhất thiết phải tổ chức như một hội nghị, diễn đàn, mà chỉ là những buổi ngồi trò chuyện với các đối tượng tại quán cà-phê, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó đưa ra hướng động viên, giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Bên cạnh sự tiến bộ, tại buổi gặp mặt, nhiều trăn trở cũng được đại diện các cấp, ngành, những người trực tiếp quản lý, cảm hóa các em chia sẻ. Đại úy Hồ Đức Dũng, CAP Hòa Xuân cho hay, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với các em tiến bộ thực sự là vốn làm ăn, cũng như việc làm ổn định. Theo anh Dũng, nhiều em đã đoạn tuyệt ma túy, thói hư tật xấu, có chí hướng làm ăn nhưng không có vốn, trong khi đi xin việc thì không có nơi nào nhận bởi lo sợ trước lý lịch không tốt trước đó của em. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND P. Hòa An cho rằng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa, nhất là trong việc liên hệ với các công ty, cơ sở sản xuất nhận các em vào làm việc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, ngành, hội đoàn thể đã thực hiện được trong việc cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên hư, chậm tiến, đồng thời biểu dương tinh thần nỗ lực vươn lên của các em. Phó Bí thư thường trực Quận ủy yêu cầu trong thời gian đến cần phải tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em tiến bộ hơn nữa, có cuộc sống lành mạnh, ổn định, đồng thời có giải pháp kiên trì, giúp đỡ các em chưa tiến bộ tái hòa nhập cộng đồng. Đề nghị UBND Q. Cẩm Lệ ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của các em để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, kịp thời như: hỗ trợ vay vốn, việc làm, hướng nghiệp... Về phía gia đình cần quan tâm hơn nữa trong việc quản lý, giáo dục, thường xuyên gần gũi để giúp các em trở thành con ngoan, công dân tốt của xã hội. Hơn ai hết, các em tiến bộ là những tuyên truyền viên tích cực trong phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, giúp các đối tượng chưa tiến bộ từng bước vươn lên trong cuộc sống.