Mở lối cho nông sản
Với trọng tâm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay cơ bản nông nghiệp ĐBSCL đã hội tụ đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều bất cập cần phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa.
Thách thức
Trung ương Hội Nông dân ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; 3,3 triệu tấn thịt lợn, 1,3 triệu tấn thịt gà; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn…. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD.
Diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam cũng liên tục tăng, đến nay diện tích ước đạt trên 596.300ha, chiếm 60% diện tích cây ăn trái của cả nước, tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước, tăng trên 61% so năm 2010. Trong đó, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam.
Mặc dù được xem là vựa trái cây của cả nước nhưng, năng suất, đặc biệt là loại cây ăn quả chủ lực còn rất thấp so với thế giới và khu vực. Chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận… Về cạnh tranh thương mại, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là thách thức lớn.
Ông Phan Văn Thế (ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) là nông dân tiêu biểu nhiều năm liên kết với doanh nghiệp sản xuất vú sữa tím theo tiêu chuẩn để xuất khẩu đi Mỹ cho biết: “Hiện nay, những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả chưa nhiều, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống. Chủ trương đẩy mạnh liên kết “6 nhà” nhưng thực tế thời gian qua với nông dân chúng tôi, việc liên kết với các “nhà” còn khó lắm, nhất là với doanh nghiệp, nhà phân phối”.
Ông Phạm Trường Yên- Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố Cần Thơ còn chỉ ra thêm về khó khăn của ngành nông nghiệp như: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở nhiều địa phương còn cao, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện. Kênh thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là những thị trường lớn…
Đẩy mạnh liên kết
Quan tâm nhiều tới việc tìm thị trường cho nông sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam cần có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất.
“Các bộ ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, yếu tố đầu vào như vốn, vật tư nông nghiệp. Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn. Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Và sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về vấn đề liên kết trong sản xuất với vai trò là cơ quan chủ đạo, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong năm 2019, cả nước đã có 2.500 hợp tác xã được thành lập mới. “Con đường tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới theo mô hình chuỗi giá trị, với vai trò là cơ quan chủ đạo trong vấn đề liên kết sản xuất, chúng tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ tư vấn thành lập hợp tác xã ở địa bàn nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ điều hành, cán bộ kiểm soát, marketing”.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới, vấn đề cần giải quyết ngay là quy hoạch lại ĐBSCL, tổ chức lại không gian hợp lý đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nếu không quy hoạch lại trong quá trình phát triển sẽ bị cạnh tranh, mâu thuẫn…”Dự kiến quý 4 năm 2020, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để có quy hoạch tốt nhất cho ĐBSCL. Ngoài ra, ĐBSCL cần phải có liên kết vùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng cơ chế điều phối liền kết vùng này. Tuy nhiên, ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương sẽ phải tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chặt chẽ”- ông Dũng nói; đồng thời cũng thông tin về nguồn lực đầu tư cho vùng trong giai đoạn tới với khoảng 2 tỷ USD (tương đương 45.000 tỷ đồng), trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 1 tỷ USD. Số tiền trên dùng để đầu tư giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đảm bảo an ninh nguồn nước. “Về sạt lở, chúng tôi sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ, xác định rõ các điểm sạt lở nghiêm trọng cấp bách cần giải quyết sau đó sẽ trình Thủ tướng phương án sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019 để làm sao giải quyết ngay thiệt hại cho người dân”- ông Dũng cho biết.
Phát triển thị trường một cách chắc chắn
Cũng phải nhìn nhận và tự hào rằng, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta đã được nâng cao chất lượng, vào được những thị trường khó tính. Cụ thể, những mặt hàng quả tươi chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được các thị trường Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu.
Kết quả này cũng đã góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 40% hàng năm với giá trị kim ngạch từ khoảng 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng. Việc xuất khẩu trái cây nói riêng và nông sản nói chung vẫn còn tồn tại những bất cập mà theo Cục Bảo vệ thực vật, như quy định về thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản tương đối cao và phức tạp. Việc thu thập số liệu để xây dựng hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cũng như kinh phí bố trí cho đón tiếp các đoàn chuyên gia về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu vào kiểm tra thực tế cơ sở trồng trọt, sơ chế, đóng gói và xử lý kiểm dịch thực vật. Phí dịch vụ vận chuyển đi các nước còn cao và chưa có chính sách hỗ trợ.
Chính vì vậy mà vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất và kiến nghị với Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương tổ chức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với nông dân để cùng tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu và đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Ngoài ra Cục Bảo vệ thực vật còn đề nghị siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, tăng cường thanh kiểm tra việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các thuốc không được phép sử dụng trên cây ăn quả; phối hợp các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các vùng trồng và các đại lý thu gom, các siêu thị để tăng giá trị của chuỗi cung ứng…
Có thể nói, đến nay nông nghiệp ĐBSCL cơ bản đã hội tụ được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vấn đề cốt lõi là cần phải quy hoạch lại sản xuất theo hướng bền vững, chuyên nghiệp để ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới một cách chắc chắn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/mo-loi-cho-nong-san-tintuc456052