Mở màn 'Hành trình hồi sinh' cho động vật hoang dã
Sáng 30/12, Vườn quốc gia Cúc Phương chính thức vận hành chương trình 'Hành trình hồi sinh' sau thời gian nghiên cứu và phát triển.
Những năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương (VQG) tiếp tục đón nhận sự đồng hành và đóng góp nhân lực, vật lực của một số tập thể, cá nhân, những người có tình yêu thiên nhiên cho nỗ lực cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã và truyền thông giáo dục.
VQG Cúc Phương đã tiếp nhận đến chăm sóc, chữa trị và phục hồi tập tính, ổn định tâm lí để cứu hộ một cá thể động vật bất kì nào đó là một quy trình kỹ thuật mang tính khoa học, đòi hỏi khắt khe kể cả thời gian, công sức, điều kiện vật chất trên nền tảng là tình yêu thiên nhiên, sự kiên trì và lòng đam mê.
Xuất phát từ những ý nghĩa và thực tiễn trên, VQG Cúc Phương nghiên cứu, phát triển và chính thức vận hành chương trình "Hành trình hồi sinh".
Chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua nỗ lực chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe, tập tính, tâm lý của động vật cứu hộ, nhất là những cá thể quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao.
Các tập thể, cá nhân, gia đình có nguyện vọng tham gia những "Hành trình hồi sinh" sẽ được tìm hiểu chung về Chương trình, về Mã số cá thể động vật cụ thể. Vì mỗi cá thể được Vườn ghi dấu bằng mã số riêng, có hình ảnh và câu chuyện liên quan, các mức độ đóng góp cũng như quyền lợi.
Nhóm "Hành trình hồi sinh" (Hà Nội) bảo trợ 1 cá thể Voọc xám và đặt tên cho cá thể đó là Sunny.
Mỗi tập thể, cá nhân, gia đình đăng ký tham gia đều phải kí biên bản thỏa thuận; lịch và chương trình đến thăm động vật hoặc kết hợp tham quan VQG Cúc Phương trong thời gian đồng hành sẽ được thống nhất giữa hai bên, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của Chương trình và phù hợp với các bên.
Trong 10 năm qua (từ năm 2010-2020), Vườn đã cứu hộ, bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm. Điển hình là 20 loài linh trưởng; 34 loài rùa cạn, rùa nước ngọt; 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,...
Ngoài ra, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã; cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã; tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể; xây dựng Vườn thực vật từ năm 1985 với diện tích 167ha; sưu tập và lưu giữ được trên 800 loài thực vật…
Sau gần 60 năm hoạt động, công tác cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Cúc Phương đã tạo nên "thương hiệu" riêng, được giới bảo tồn trong và ngoài nước ví von là "thủ đô bảo tồn" của Việt Nam.