Mỡ máu cao có cần kiêng chất béo không?
Mỡ máu cao là loại bệnh lý đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại hiện nay, có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh.
Đặc điểm của bệnh mỡ máu
Cholesterol, triglycerid là 2 thành phần cơ bản của mỡ máu. Trong đó cholesterol có 3 loại là cholesterol tốt, cholesterol xấu và cholesterol toàn phần.
Đặc điểm của cholesterol
Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của cơ thể con người. Một phần lớn cholesterol được gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn mà chúng ta dung nạp hàng ngày như: trứng, thịt, sữa, mỡ động vật, bò, tôm, cá.
Đặc điểm của cholesterol kém tan trong nước, thực tế chúng không thể tan và di chuyển và di chuyển được trong máu. Cholesterol phải nhờ lipoprotein, đây là một chất do gan tổng hợp ra và tan trong nước mang theo cholesterol.
Sự hoạt động của các màng tế bào trong cơ thể cần có cholesterol để sản xuất ra nội tiết tố. Mặt khác, đây cũng chính là thành phần của muối mật. Cholesterol tốt (HDL-C) đảm nhận vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu hiệu quả, đồng thời có khả năng bảo vệ thành mạch máu. Ngược lại, cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.
Đặc điểm của triglycerid
Triglyceride là chất do dư thừa của axit béo không được chuyển thành cholesterol ở gan (khi chất axit béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol. Ngược lại, nếu lượng axit béo bị dư thừa sẽ trở thành triglycerid). Tại gan, triglycerid sẽ kết hợp với chất apoprotein và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp.
Người bị bệnh mỡ máu cao có phải kiêng chất béo không?
Theo Sức khỏe đời sống, ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò quan trọng, nếu chúng ta ăn một lượng vừa phải và lựa chọn chất béo có lợi cho sức khỏe thì sẽ tốt. Ngược lại, lượng chất béo càng cao thì tỷ lệ tử vong do bệnh nhồi máu cơ tim càng cao.
Đối với người Việt Nam, chất béo nên chiếm 18 -20% tổng năng lượng ăn vào. Ở người trưởng thành, nếu khẩu phần có khoảng 30g chất béo thì trong đó nên có 20g là chất béo nguồn gốc thực vật.
Đối với người đang bị mỡ máu cao thì lượng chất béo nên ăn khoảng 15% năng lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Nhưng điều quan trọng là nên chọn ăn chất béo có lợi cho sức khỏe.
Đó là những axit béo chưa no một nối đôi như axit oleic: có tác dụng góp phần làm giảm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và hạn chế giảm HDL-cholesterol (cholesterol tốt).
Loại axit béo này có nhiều trong các dầu thực vật như: dầu ô liu, dầu lạc, hạt cải và dầu đậu nành. Hoặc các axit béo omega-3 có trong các loại cá biển: cá hồi, cá thu, cá trích…; và các loại hạt: hạt điều, hạt lanh, hạt macca…
Khi chế biến thức ăn, nên sử dụng các loại dầu ăn trên ở dạng ăn sống như trộn salat, hoặc cho vào món hấp, xào ngay trước khi bắc ra khỏi bếp thì mới giữ được cấu tạo hóa học và tác dụng của các axit béo không no.
Người bệnh nên hạn chế ăn các loại mỡ động vật và các phủ tạng: óc, tim, gan, bầu dục…
ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, Hội dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam cho biết: Không nên ăn nhiều các món xào, rán, nướng, trong thực đơn hằng ngày nên tăng cường ăn các món luộc, hấp vừa hạn chế mất nhiều các chất dinh dưỡng, đồng thời không làm biến đổi thực phẩm thành các chất có thể gây tác hại cho sức khỏe do quá trình chiên, rán.