Trong cuộc khai quật gần làng Shunzhuang tại huyện Mạnh Tân, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện 3 mộ cổ hơn 1.700 tuổi được cho thuộc về một gia đình giàu có.
Theo các chuyên gia, 3 ngôi mộ lần lượt được đặt tên là M1, M2 và M3. Kết quả kiểm tra niên đại cho thấy những mộ cổ này có từ giữa đến cuối triều đại Tây Tấn (265 - 317) nhưng cũng có thể là thời kỳ Tào Ngụy trước đó (220 - 265). Để xác định chính xác niên đại của 3 ngôi mộ, các nhà nghiên cứu cần thêm thời gian.
Ba ngôi mộ đều được xây dựng khá giống nhau với phòng chôn cất hướng về phía nam. M1 là ngôi mộ lớn nhất và có cấu trúc phức tạp hơn 2 ngôi mộ cổ còn lại. Điều này khiến các chuyên gia suy đoán chủ nhân ngôi mộ có địa vị cao.
Bên trong ngôi mộ M1, các nhà khảo cổ phát hiện ra một kho báu đồ sộ gồm khoảng 200 hiện vật. Đó là những hiện vật quý hiếm như đồ trang sức bằng vàng, ngọc bích, ngà voi, đồ sơn mài, tiền xu...
Trong khi đó, ngôi mộ M2 và M3 có kích thước nhỏ hơn và cấu trúc đơn giản hơn so với M1. Tại 2 mộ cổ này, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều đồ tùy táng quý giá như đồ gốm, các món đồ làm từ đồng, sắt, vàng, tiền xu...
Do 3 ngôi mộ nằm gần nhau nên các chuyên gia suy đoán chúng có thể thuộc về một gia đình giàu có, quyền lực sống cách đây hơn 1.700 năm.
Theo giả thuyết trên, sau khi qua đời, từng người trong gia đình được chôn cất trong 3 ngôi mộ gần nhau với hy vọng có thể tiếp tục ở cạnh nhau ở thế giới bên kia.
Các chuyên gia hy vọng thông qua nghiên cứu hàng trăm cổ vật tìm thấy trong 3 ngôi mộ sẽ giúp làm sáng tỏ danh tính của những người được chôn cất cũng như tập tục mai táng của người dân khi đó.
Mời độc giả xem video: Chiếc chén pha lê trong mộ cổ 1.000 năm: “Xuyên không” là có thật?
Tâm Anh (TH)