Mở mộ cổ, thất kinh thấy thi hài nữ da vẫn đàn hồi như người sống, thân thế cực kỳ cao quý
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc từng gây chấn động khi tìm thấy một ngôi mộ cổ bên trong có một thi hài nữ còn nguyên vẹn, da thậm chí vẫn đàn hồi như người sống. Điều gây sốc hơn nữa là thi hài nữ này còn mặc một chiếc áo long bào đính hàng nghìn viên ngọc trai chứng tỏ thân thế nữ chủ nhân mộ cổ vô cùng cao quý.
Mặc dù hàng trăm năm đã trôi qua nhưng thi hài trong mộ cổ vẫn nguyên vẹn, da vẫn đàn hồi như người sống. Ảnh minh họa: KK News.
Theo KK News, ai cũng biết long bào là y phục chỉ hoàng đế thời xưa mới được mặc. Bất cứ ai dám khoác lên mình tấm áo này khi chưa được phép nếu bị phát hiện sẽ gặp đại họa, thậm chí bị chu di cửu tộc.
Thế nhưng, vào những năm 1970, các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc đã gây chấn động khi đào được một cỗ quan tài bên trong có thi hài nữ mặc áo long bào ở thành phố Xích Phong, Nội Mông.
Thi hài nữ này thậm chí vẫn còn nguyên vẹn, da vẫn có độ đàn hồi như người còn sống. Tất cả những điều này khiến giới khảo cổ học thời điểm đó vô cùng kinh ngạc và tò mò về thân thế của nữ chủ nhân ngôi mộ cổ.
Thực tế, nếu thi hài bên trong cỗ quan tài là đàn ông thì việc mặc long bào còn có thể hiểu được, vì có lẽ ông là hoàng đế của một triều đại cổ đại nào đó. Nhưng phụ nữ mặc long bào thì thực khó hiểu, khiến không ít người hoài nghi, đây chẳng lẽ là lăng mộ của Võ Tắc Thiên - nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc?
Tuy nhiên, nữ chủ nhân mộ cổ không phải là Võ Tắc Thiên, bởi các chuyên gia khảo cổ sau đó đã xác định được đây là mộ cổ thời nhà Thanh. Ngôi mộ này vô cùng lớn, rộng 45m từ đông sang tây, dài 105m từ bắc xuống nam, có diện tích khoảng 5.000m2. Lăng mộ khổng lồ, lại mặc áo long bào, đội mũ phượng quan bằng vàng - tất cả những điều này chứng tỏ chủ nhân ngôi mộ có thân phận vô cùng cao quý khi còn sống.
Dù hàng trăm năm đã trôi qua nhưng không hiểu tại sao thi hài của chủ nhân mộ cổ vẫn nguyên vẹn. Thi hài được bảo quản tốt đến mức da vẫn còn độ đàn hồi như người sống. Chủ nhân mộ cổ được xác định cao từ 1m5-1m6, có mái tóc dài đen tới 75cm.
Ngoài ra, trên tay chủ nhân ngôi mộ còn đeo một chiếc vòng vàng, một chiếc nhẫn vàng. Chân của bà đi một đôi giày thêu màu đỏ. Khi kiểm tra thi thể chủ nhân mộ cổ, các chuyên gia còn phát hiện trên đùi của bà còn có vết máu. Vì sao lại có vết máu trên thi thể chủ nhân ngôi mộ cho đến nay vẫn là điều bí ẩn mà các chuyên gia chưa thể đưa ra lời giải đáp, theo trang tin 163.
Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia kinh ngạc và tò mò nhất vẫn là chiếc áo long bào đính hàng nghìn viên ngọc trai mà nữ chủ nhân mộ cổ mặc. Rõ ràng thời cổ đại chỉ có hoàng đế mới được mặc áo long bào, vậy tại sao nữ chủ nhân ngôi mộ này lại dám phạm vào điều kiêng kỵ?
Cuối cùng, sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ cũng đã tìm ra câu trả lời trong văn bia bên trong mộ cổ. Hóa ra nữ chủ nhân ngôi mộ này là một công chúa nhà Thanh - Vinh Hiến công chúa - con gái thứ 3 của hoàng đế Khang Hy và là người con gái được ông vua này yêu thương nhất.
Theo KK News, mẹ của công chúa là Vinh phi Mã Giai thị - một "sủng phi" được Khang Hy vô cùng yêu thương, cưng chiều.
Tuy nhiên, dù được vua cha sủng ái đến mức nào thì với thân phận là một công chúa, Vinh Hiến cũng không thể tránh được việc phải kết hôn vì mục đích chính trị, vì sự ổn định của đất nước.
Theo đó, khi mới 9 tuổi, Vinh Hiến công chúa đã phải cùng Ô Nhĩ Cổn, con trai của Ba Lâm Quận vương Ngạc Tề Nhĩ - thủ lĩnh của Nội Mông cử hành lễ đính hôn.
Đến năm công chúa 19 tuổi, nàng chính thức thành thân, rời kinh thành về nhà chồng ở thảo nguyên Nội Mông sinh sống. Chính vì cuộc hôn nhân chính trị này, để bù đắp cho cô con gái cưng, Khang Hy đã phong cho bà là Cố Luân Vinh Hiến Công chúa - tước hiệu vốn chỉ dành cho công chúa do hoàng hậu sinh ra.
May mắn cuộc hôn nhân của Vinh Hiến và Ô Nhĩ Cổn rất hạnh phúc. Năm Ung Chính thứ 6 (1728), Vinh Hiến công chúa bệnh mất, hưởng thọ 56 tuổi. Ghi nhận những cống hiến của công chúa cho đất nước, hoàng đế Ung Chính đã ban tặng cho bà một chiếc áo long bào đính ngọc trai vô cùng quý giá. Vinh hạnh này trong lịch sử chỉ có một mình công chúa Vinh Hiến nhận được đủ thấy địa vị của bà khi còn sống cao quý đến mức nào. Người con trai trưởng của công chúa sau đó đã xây dựng cho mẹ một lăng mộ đồ sộ để bà an nghỉ giữa thảo nguyên bao la.